Dự thảo sửa đổi Luật thuế của Bộ Tài chính: Hàng loạt DN sẽ được giảm thuế
Tăng thuế GTGT - lựa chọn khó | |
Thêm cơ hội được hoàn thuế, giảm chi phí |
DNNVV được ưu đãi thuế
Luật Thuế TNDN dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí để DNNVV được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn. Về mặt quản lý thuế, quy định theo tiêu chí doanh thu tạo thuận lợi trong quản lý hơn tiêu chí vốn. Đa số các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, việc xác định DNNVV làm cơ sở áp dụng mức thuế suất thấp hơn theo tiêu chí doanh thu là phù hợp, đúng bản chất kinh tế.
Việc xác định DNNVV làm cơ sở áp dụng mức thuế suất thấp hơn là thiết thực hỗ trợ cho DN phát triển |
Hiện thuế suất thuế TNDN đang áp dụng chung cho các loại hình DN là 20%, ngoại trừ các DN hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, tài nguyên quý hiếm khác áp dụng mức 35 – 50%.
Để đảm bảo đúng mục đích tháo gỡ khó khăn cho DN siêu nhỏ, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN, dự án luật đề xuất quy định: DN siêu nhỏ (là DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; DNNVV (là DN có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%.
Ngoài ra, để tránh các trường hợp DN thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, dự thảo luật quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với DN là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ nắm giữ từ 25% vốn chủ sở hữu của công ty con trở lên.
Bên cạnh việc giảm thuế suất, dự án luật cũng có nhiều sửa đổi, bổ sung về ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực ưu đãi. Cụ thể, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, dự thảo luật dự kiến bổ sung quy định thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới cung cấp một số dịch vụ phần mềm quan trọng và sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số cần ưu tiên phát triển được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Đầu tư cải tạo chung cư cũ, nông nghiệp ứng dụng CNC được ưu đãi thuế
Theo quy định hiện hành thì hoạt động đầu tư, cải tạo chung cư cũ không được ưu đãi thuế TNDN. Qua công tác quản lý thu thuế thời gian qua, Bộ Tài chính cũng nhận được kiến nghị của một số DN đề nghị hướng dẫn thực hiện giải pháp tài chính và đất đai theo Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP của Chính phủ.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị trình Quốc hội cho bổ sung quy định phần thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thuộc sở hữu nhà nước đã bán cho người đang thuê, bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định của Luật Nhà ở được áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi 10% tương tự như đang áp dụng đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hiện hành.
Dự thảo luật cũng đề nghị bổ sung ưu đãi thuế đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) nhằm triển khai một số nội dung tại Luật CNC và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 575/QĐ-TTg năm 2015. Cụ thể, dành ưu đãi đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư tại khu nông nghiệp ứng dụng CNC tương tự như đối với dự án đầu tư thực hiện tại Khu CNC và DN CNC hiện hành (thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm thuế 9 năm tiếp theo).
Tương tự, thu nhập của tổ chức tài chính vi mô hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận cũng được đề xuất ưu đãi về thuế, để thống nhất với quy định của Luật Đầu tư năm 2014.
Cụ thể: Tổ chức tài chính vi mô hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận theo quy định của pháp luật được miễn thuế TNDN trong 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với phần thu nhập có được từ việc thực hiện hoạt động tài chính vi mô…
Cùng với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung đồng bộ khác trong dự án một luật sửa 5 luật thuế, những quy định mới được đề xuất về thuế TNDN bám sát mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công theo nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 theo hướng đơn giản hóa chính sách ưu đãi thuế theo hướng hẹp về lĩnh vực, tiếp tục khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng lớn, các ngành sử dụng công nghệ cao…