Thêm cơ hội được hoàn thuế, giảm chi phí
Thanh toán qua ví điện tử khó hoàn thuế | |
Tiền tỷ đóng băng vì siết hoàn thuế |
Có lợi khi được “chịu thuế”
Cụ thể, theo quy định của Luật Thuế GTGT hiện hành thì “phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Nhiều DN sẽ bớt khổ |
Tuy nhiên, nhiều DN trong lĩnh vực này gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào mà phải tính vào chi phí, khiến giá thành tăng, bất lợi trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Do nhiều loại máy móc, thiết bị vừa sử dụng được cho sản xuất nông nghiệp, vừa dùng được vào mục đích khác, như rơ moóc, đèn (để sưởi), quạt (để thông gió làm mát)... nên dẫn đến vướng mắc trong thực hiện.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính đề nghị phương án chuyển phân bón, tàu đánh bắt xa bờ và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm: Máy cày, máy bừa, máy cấy, máy gieo hạt, máy tuốt lúa, máy gặt, máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, máy hoặc bình bơm thuốc trừ sâu… sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Đồng thời, chuyển các loại máy móc, thiết bị không chỉ sử dụng trong nông nghiệp mà còn dùng cho nhiều ngành sản xuất khác sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất thông thường 10%.
Theo đó, DN sản xuất các mặt hàng kể trên được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Do số thuế GTGT đầu ra tính theo mức thuế suất 5% trong khi máy móc, thiết bị, sắt, thép, nguyên vật liệu khác, điện, nước sản xuất... đầu vào chịu thuế GTGT với mức thuế suất 10% nên những DN này cơ bản được hoàn thuế GTGT.
Qua thực tế, có một số trường hợp số thuế GTGT đầu vào lớn hơn số thuế GTGT đầu ra và qua nhiều kỳ vẫn chưa được khấu trừ hết đối với trường hợp sản xuất hàng hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% nhưng hàng hoá đầu vào chủ yếu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%. Nếu không hoàn thuế GTGT thì số thuế GTGT đầu vào phải tính vào chi phí, gây khó khăn cho DN do phải ứng vốn để nộp thuế và không thực sự khuyến khích DN sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ.
Dự án luật đã tạo điều kiện có lợi cho DN qua đề xuất bổ sung quy định, các DN nêu trên nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT. Việc hoàn thuế này không áp dụng đối với cơ sở kinh doanh khâu thương mại; trường hợp vừa sản xuất, vừa kinh doanh khâu thương mại, cơ sở kinh doanh thực hiện hạch toán riêng để được hoàn thuế cho hàng hóa chịu thuế GTGT 5% cho cơ sở sản xuất.
Để tăng sức cạnh tranh
Cũng liên quan đến hoàn thuế, luật hiện hành quy định: “Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản (TNKS) khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ TNKS có tổng trị giá TNKS cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đồng thời “dự án đầu tư khai thác TNKS được cấp phép từ ngày 1/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá TNKS cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư” không được hoàn thuế GTGT.
Trên thực tế, việc xác định tỷ lệ giá trị TNKS cộng chi phí năng lượng trên giá thành sản phẩm sẽ khó thực hiện và không công bằng giữa cùng một loại hàng hóa xuất khẩu.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định các sản phẩm nêu trên thuộc diện không chịu thuế GTGT; và bỏ quy định “Dự án đầu tư khai thác TNKS được cấp phép từ ngày 1/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá TNKS cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư” không được hoàn thuế GTGT.
Theo cơ quan soạn thảo, những sửa đổi, bổ sung trên sẽ tháo gỡ khó khăn cho DN trong nước sản xuất những mặt hàng chịu thuế GTGT 5%, sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ TNKS, tăng sức cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Đồng thời, tạo thêm điều kiện cho DN được giảm chi phí, hội nhập kinh tế quốc tế thuận lợi và hạn chế việc gian lận, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.