Tăng thuế GTGT - lựa chọn khó
Cẩn trọng tăng thuế gián thu | |
Tăng thuế tiêu dùng phải đồng hành với giảm thuế thu nhập | |
Tăng thuế xăng dầu: Bộ Tài chính nói gì? |
Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% đến 12% với lý do thuế GTGT của nước ta đang thấp hơn các nước và áp lực giảm thu ngân sách vì thuế nhập khẩu giảm (do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế). Đề xuất của bộ đang mang lại những ý kiến đa chiều.
Ngân sách chi nhiều do sức ì thể chế
Chi ngân sách gồm có chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên, trong đó chi thường xuyên chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 65-70% trong tổng chi NSNN.
Thu ngân sách đang chịu áp lực rất lớn vì thu từ dầu thô giảm mạnh và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thu ngân sách áp lực giảm mạnh cùng với chi ngân sách giảm không mạnh tạo nên áp lực tăng bội chi ngân sách.
Để giảm bội chi ngân sách, một số nhà kinh tế khuyến nghị nên giảm chi thường xuyên |
Để giảm bội chi ngân sách, một số nhà kinh tế khuyến nghị nên giảm chi thường xuyên. Khuyến nghị này đã được đề xuất từ rất lâu nhưng tiến trình giảm chi thường xuyên diễn ra rất chậm. Nhưng vì sức ì thể chế nên nếu quyết tâm giảm thì giảm chi thường xuyên cũng chỉ có thể diễn ra từ từ, đòi hỏi mất nhiều thời gian.
Vậy nếu chi ngân sách không thể giảm trong ngắn hạn trong khi thu ngân sách đang chịu sức ép giảm thì Bộ Tài chính phải làm gì để bù đắp cho bội chi ngân sách.
Chọn in tiền, vay nợ hay tăng thuế?
Có 3 nguồn bù đắp cho thâm hụt ngân sách: in tiền, vay nợ và tăng thuế.
Trong lịch sử nước ta và thế giới đã chứng minh rằng: In tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách - tạo ra hệ lụy vô cùng tai hại cho nền kinh tế. In tiền bù đắp thâm hụt ngân sách có thể tạo ra lạm phát và lạm phát cũng là một loại thuế đánh vào thu nhập của người dân (gọi là “thuế đúc tiền”). Loại thuế đúc tiền này là thuế lũy thoái; người nghèo và người thu nhập thấp phải gánh chịu nặng nề hơn so với người giàu.
Vay nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách sẽ làm tăng lãi suất trên thị trường và cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Hơn nữa, vay nợ rốt cục cũng phải trả và thế hệ tương lai sẽ phải trả khoản nợ này. Trong khi đó nợ công đang tăng lên nhanh chóng những năm gần đây.
Như vậy, in tiền, vay nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách đều tạo ra chi phí cho nền kinh tế. Nếu như in tiền hay vay nợ tạo ra chi phí ít nhận thấy hơn cho nền kinh tế thì tăng thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách lại tạo ra chi phí rất rõ ràng. Do đó, nếu như in tiền tạo ra thuế đúc tiền là hình thức đánh thuế mà người dân khó nhận thấy hay vay nợ cũng tạo ra chi phí người dân khó nhận thấy thì tăng thuế sẽ dễ nhận biết hơn.
Nhưng trong 3 cách bù đắp cho thâm hụt ngân sách, có lẽ Bộ Tài chính đã phải viện đến các cách thức tài trợ cho bội chi ngân sách bổ sung lẫn nhau, trong đó gồm cả việc tăng thuế và/hoặc mở rộng cơ sở đánh thuế.
Vậy liệu tăng thuế GTGT có hợp lý?
Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu từ thuế GTGT chiếm khoảng 30% trong tổng thu ngân sách, thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 25%, thu từ xuất nhập khẩu chiếm 20%, thu từ dầu thô chiếm 5-10% và thu từ thuế thu nhập cá nhân còn thấp nữa.
Hiện nay, thu từ dầu thô có xu hướng giảm vì giá dầu thế giới đang giảm mạnh. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng có xu hướng giảm mạnh vì nước ta phải giảm thuế theo lộ trình của các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Như vậy, chỉ còn lại 3 nguồn để tăng thu NSNN là tăng thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng thuế GTGT và tăng thuế thu nhập cá nhân.
Thuế thu nhập doanh nghiệp đang có xu hướng giảm trong những năm qua từ 32% xuống 28%, 25%, 22%, và 20%. Để khuyến khích sự phát triển khu vực doanh nghiệp và giảm chi phí hoạt động sản xuất theo tinh thần của Chính phủ, việc tăng thuế thu nhập doanh nghiệp để tăng thu ngân sách sẽ là không khả thi và hợp lý.
Còn lại 2 nguồn tăng thu ngân sách là tăng thuế thu nhập cá nhân và tăng thuế GTGT. Thuế thu nhập cá nhân chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng thu ngân sách. Với tỷ trọng nhỏ bé trong tổng thu ngân sách, việc tăng thuế thu nhập cá nhân phải ở mức rất lớn mới có thể bù đắp khoản sụt giảm thu ngân sách từ các nguồn khác (dầu thô, hoạt động xuất nhập khẩu). Mà tăng mạnh thuế thu nhập cá nhân chỉ khuyến khích hành vi trốn thuế của nhóm thu nhập rất cao.
Còn lại nguồn tăng thu quan trọng nhất là tăng thuế GTGT. Tỷ trọng thu từ thuế GTGT trong thu ngân sách lớn nên việc tăng từ 10% đến 12% cũng đủ để phần nào bù đắp cho các nguồn thu ngân sách đang giảm khác. (Bên cạnh đó, về mặt tổng thể, có thể sẽ phải tăng thêm một số loại thuế khác).
Tăng thuế GTGT để bù đắp cho bội chi ngân sách (do các nguồn thu khác đang giảm) xuất phát từ bài toán thực tế. Còn để đánh giá việc tăng thuế GTGT hay thuế thu nhập cá nhân hay phương án tăng thu thay thế khác tác động thế nào đến phúc lợi (welfare) hay tăng trưởng kinh tế (economic growth) thì cần xây dựng được mô hình cân bằng tổng thể ngẫu nhiên động (Dynamic Stochastic General Equilibrium Model) như mong ước của nhà kinh tế Robert Lucas - nhận giải Nobel Kinh tế năm 1996 - để các biến chính sách là đầu vào của mô hình và mô hình đóng vai trò như một phòng thí nghiệm khi mà việc thí nghiệm các chính sách kinh tế khác nhau trên thực tế có chi phí quá lớn.
Mô hình càng chi tiết sẽ càng trả lời được nhiều các câu hỏi cụ thể như các phương án tăng/giảm thuế khác nhau sẽ tác động thế nào đến phúc lợi, tăng trưởng, đến các nhóm thu nhập khác nhau, đến hành vi tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng…
Tuy nhiên, số liệu cho xây dựng mô hình như thế còn thiếu nên không thể có được mô hình kinh tế lượng hữu ích để trả lời nhiều câu hỏi quan trọng khi Bộ Tài chính muốn đưa ra các phương án chính sách thuế khác nhau.
Phía bên kia của thu thuế
Song song với việc tăng thuế hay mở rộng cơ sở đánh thuế, Chính phủ và Bộ Tài chính cần giảm chi ngân sách trong chi thường xuyên (đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi NSNN) qua việc tinh giảm bộ máy hành chính, giảm chi cho các hạng mục công trình và dự án thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chi ngân sách, tạo thêm cơ hội để người dân được giám sát các khoản chi ngân sách và để các khoản chi ngân sách thực sự phục vụ lợi ích của người dân.
Cuối cùng, về mặt tổng thể, nếu chi ngân sách đem lại lợi ích lớn hơn so với thu ngân sách, người dân sẽ ủng hộ phương án tăng thuế hay mở rộng cơ sở đánh thuế hay thay đổi cơ cấu thuế. Ngược lại, người dân sẽ không hài lòng và phản đối nếu chi ngân sách mập mờ, lãng phí, bị tham nhũng và dùng để chi trả lương cho bộ máy nhũng nhiễu không phục vụ lợi ích của người dân.