Dự trữ ngoại hối có thể đạt trên 50 tỷ USD: "Tấm đệm" tốt cho nền kinh tế
Trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về thống kê và quản lý ngoại hối | |
Dự trữ ngoại hối Nhà nước đã tăng lên mức 46 tỷ USD |
“Tấm đệm” tốt để NHNN điều hành linh hoạt tỷ giá
Dự trữ ngoại hối (DTNH) của Việt Nam đang theo hướng tăng lên, có thể đến hết năm 2017 sẽ đạt cao hơn con số trên 50 tỷ USD. TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, mức kỷ lục mới của dự trữ sẽ là “tấm đệm” tốt để NHNN điều hành linh hoạt tỷ giá.
Tăng DTNH có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia |
Đâu là lý do mà quỹ DTNH quốc gia tăng cao như vậy, trả lời câu hỏi này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: chính sự điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, sáng tạo của NHNN trong thời gian qua giúp dự trữ ngoại tệ đạt mức kỷ lục trong khi toàn bộ thị trường tiền tệ không có bất kỳ cú sốc nào đáng kể. Một trong những yếu tố hỗ trợ tích cực nhất đó là chính sách tỷ giá.
Bất chấp kinh tế thế giới nhiều biến động, nhưng tỷ giá hối đoái giữa đồng VND với USD vẫn được NHNN kiểm soát tốt, vừa giữ ổn định, sức hấp dẫn đồng VND lại vừa có thể hỗ trợ cho các DN xuất khẩu. Mặt bằng lãi suất trên thị trường liên NH được duy trì ở mức thấp, thanh khoản của hệ thống NH tốt là những yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng để NHNN duy trì chính sách tỷ giá ổn định, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam - theo TS. Lê Xuân Nghĩa. Trong khi vài năm trước, đây là một trong những rủi ro mà các NĐTNN quan ngại nhất khi đầu tư vào Việt Nam. Cũng chính sự tin tưởng vào giá trị đồng tiền, một lượng lớn ngoại tệ trong dân cư đã được người dân tự chuyển hóa sang tiền đồng và đóng góp nhất định trong sự đột phá của quy mô DTNH.
Cùng chung nhận định, TS. Võ Trí Thành cho rằng, năm 2017 NHNN điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá khá tốt. Cơ quan này luôn kiên định gắn mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng nhưng đảm bảo giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, dù mua một lượng ngoại tệ rất lớn nhưng NHNN điều hòa tiền tệ mà cụ thể là dòng vốn ra – vào rất nhịp nhàng không gây áp lực lên lạm phát. “Lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, chính sách chống đô la hóa... là nguyên nhân quan trọng khiến người dân, DN bán ra ngoại tệ giúp NHNN có thêm điều kiện để mua vào ngoại tệ”, vị chuyên gia này bình luận thêm.
Ngoài lý do trên, việc Việt Nam xuất siêu (đến giữa tháng 12/2017 là 2,72 tỷ USD) cũng góp phần quan trọng trong việc DTNH tăng mạnh. Việc Chính phủ đang quyết liệt đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các DNNN, các tập đoàn kinh tế nhà nước cùng với sự tham gia gián tiếp dòng vốn của NĐTNN vào thị trường chứng khoán qua một số thương vụ thoái vốn Nhà nước quy mô lớn, việc lên sàn của một số NH... cũng đóng góp lượng ngoại tệ không nhỏ cho DTNH.
Tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của đồng VND
Tuy DTNH đang được cải thiện đáng kể, nhưng TS. Võ Trí Thành lưu ý, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn thì quỹ dự trữ ngoại tệ này cũng cố gắng nâng lên đạt khoảng 3 tháng nhập khẩu theo thông lệ quốc tế. Vì vậy, đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Việt Nam.
Việc DTNH của Việt Nam tăng đều trong thời gian tới phản ánh sự ổn định của đồng VND, khẳng định năng lực bình ổn thị trường ngoại hối, giúp Việt Nam cải thiện được vị thế đối ngoại cũng như khả năng trả nợ và khả năng chủ động ứng phó với những tình huống rủi ro cả trong nước và biến động trên thị trường quốc tế. “Chỉ số này được thế giới quan tâm hơn khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính toàn cầu”, TS. Thành nhấn mạnh.
Chung quan điểm DTNH giúp NHNN tăng khả năng điều phối thị trường một cách linh hoạt khi có bất cứ biến động rủi ro, TS. Nguyễn Trí Hiếu bổ sung thêm những lợi thế mà DTNH tăng lên đó là niềm tin của người dân vào giá trị đồng VND tiếp tục tăng lên sẽ khai mở một nguồn lực vốn mới chuyển hóa từ đồng USD sang VND để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đồng thời, giúp DN chủ động lên kế hoạch kinh doanh, đóng góp tăng trưởng kinh tế. Còn lãnh đạo NHNN thì nhấn mạnh: tăng DTNH có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vấn đề sẵn sàng can thiệp thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia…
Với tình hình kinh tế đang chuyển biến tích cực nhất là xuất khẩu, dự báo dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam đang là điểm đến được nhiều NĐT lựa chọn, sang năm 2018, việc DTNH tiếp tục tăng thêm là hoàn toàn có khả năng xảy ra.
“Nếu sang năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đâu đó ít nhất 5% và FDI cũng tăng 5-10%, tôi nghĩ có khả năng NHNN mua thêm được khoảng 10 tỷ USD”, vị chuyên gia này đặt giả thiết.
TS. Võ Trí Thành cũng lạc quan cho rằng sang năm 2018, áp lực lên tỷ giá sẽ không quá lớn. Cùng với đó việc đẩy mạnh cải cách NH lành mạnh hóa, cán cân thương mại dự báo tiếp tục thặng dư, lạm phát tăng trên dưới 4%... sẽ tạo điều kiện cho việc Việt Nam tiếp tục tăng DTNH trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng lưu ý việc mua một lượng ngoại tệ lớn đồng nghĩa với việc NHNN phải bơm ra một lượng tiền lớn vào nền kinh tế. Do đó nếu không điều hòa dòng tiền ra vào hợp lý lại tạo áp lực cung tiền, tiềm ẩn nguy cơ về lạm phát. Dù rất có kinh nghiệm trong việc bơm hút vốn, nhưng TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, sự cẩn trọng và cảnh giác không bao giờ thừa nhất là đối với thị trường tài chính tiền tệ biến số về rủi ro luôn tăng lên gấp đôi, gấp ba lần.