FDI và những động thái từ nước Mỹ
Đừng nên lơ là với vốn Nhật | |
Để kéo vốn Nhật tăng trở lại | |
Thu hút FDI cần thực chất hơn |
Cho tới thời điểm hiện tại, những lời tuyên bố của tân Tổng thống Mỹ Donald J. Trump đã khiến cả thế giới đang dự báo về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với những kịch bản khác nhau: Mỹ sẽ rút khỏi TPP, hoặc ít nhất là trì hoãn việc thông qua TPP; hay Mỹ sẽ thiết kế một TPP kiểu mới… Tuy nhiên, kịch bản nào cũng sẽ tác động ít nhiều tới thu hút FDI của Việt Nam, đặc biệt là từ Mỹ.
Không ngại vốn vào chậm vì thiếu TPP
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số liệu về 112 quốc gia vùng và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam tính đến tháng 10/2016, thì Mỹ đang đứng thứ 8 với 815 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 10,1 tỷ USD.
“Dù sắp tới Mỹ bác bỏ hoàn toàn, hoặc xem xét lại một số nội dung trong TPP, cũng không ảnh hưởng nhiều tới thu hút FDI vào Việt Nam”, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
FDI vẫn sẽ vào Việt Nam dù có TPP “dẫn đường” hay không |
Rà soát lại con số đầu tư thực tiễn của Mỹ vào Việt Nam thời gian gần đây, ông Thắng cho rằng, 5 năm vừa qua hoạt động của NĐT Mỹ tại Việt Nam có phần “âm thầm”, và tổng vốn đầu tư của quốc gia này vào Việt Nam không lớn, tuy số vốn đầu tư tăng lên theo thời gian nhưng mức tăng cũng nhỏ.
Năm 2012, tổng vốn đầu tư của Mỹ là 125 triệu USD, đứng thứ 13; năm 2013 số vốn đăng ký tăng nhẹ lên mức 130 triệu USD, song thứ hạng của Mỹ lại tụt xuống vị trí 15; năm 2014, Mỹ nhích lên vị trí thứ 12 với tổng vốn trên 259 triệu USD, nhưng tới năm 2015 lại nhảy xuống thứ 16 với tổng vốn trên 227 triệu USD.
Trong 10 tháng đầu năm 2016, Mỹ cũng chỉ đứng ở vị trí thứ 15 với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm khoảng 231 triệu USD. Điểm lại trong 10 năm, từ năm 2006 cho tới 2016, Mỹ chỉ có 2 dự án có quy mô 1 tỷ USD của Tập đoàn Intel vào năm 2006, và Tập đoàn First Solar vào năm 2011.
Ông Thắng nhận xét, nguyên nhân khiến dòng vốn từ nước Mỹ không tăng mạnh chủ yếu là do nhu cầu đầu tư và khả năng tiếp nhận giữa quốc gia này và Việt Nam chưa khớp nhau. NĐT Mỹ thường tham gia những dự án rất lớn, thời gian dài và sự chuẩn bị của họ cũng lâu hơn.
Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý giữa Việt Nam với Mỹ là khá xa, vì vậy đầu tư về phía các quốc gia Nam Mỹ sẽ thuận lợi hơn. Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng, nhưng với các dự án lớn, công nghệ cao thì còn nhiều điều kiện chưa đáp ứng được yêu cầu của NĐT ngay tức thì. Do đó thu hút FDI của Việt Nam trước mắt chưa bị ảnh hưởng bởi TPP.
“Tóm lại, dù có hay không có TPP thì thu hút FDI trong thời gian tới vẫn sẽ tăng trưởng. TPP chỉ giúp quá trình này thuận lợi hơn và thúc đẩy NĐT ra quyết định nhanh hơn mà thôi”, ông Thắng quả quyết. Với phân tích này, ông Thắng cho rằng trước mắt trong năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký vẫn sẽ đạt con số dự tính là khoảng 24,5 tỷ USD.
Băn khoăn trong dài hạn
Song ở góc nhìn khác, một số ý kiến cho rằng dòng vốn đầu tư từ các quốc gia châu Á vào Việt Nam thời gian qua tăng mạnh cũng nhờ lực đẩy lớn từ TPP. Theo đó, Mỹ hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và cùng với TPP, khả năng xuất khẩu hàng hoá vào đây sẽ rộng mở hơn nữa. Đó cũng là lý do khiến các DN châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… gia tăng đầu tư để đón đầu cơ hội.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành trấn an, Việt Nam hiện nay vẫn đang có những Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khác, chưa kể các FTA mới đang đàm phán hoặc chuẩn bị ký. Như vậy, Việt Nam vẫn có những thị trường mới với quy mô khá lớn, điều kiện thương mại thuận lợi. “Cửa cho xuất khẩu của Việt Nam có thể không rộng mở như người ta đã ước tính nếu có TPP, nhưng cũng không đến nỗi quá bi quan để lo ngại rằng có sự suy giảm mạnh mẽ. Dòng vốn đầu tư cũng không bị ảnh hưởng quá lớn”, ông Thành khẳng định.
Mặc dù vậy, nếu đối chiếu với mục tiêu thu hút dòng vốn ngoại chất lượng cao, thì việc Mỹ bác bỏ hay thay đổi lộ trình thông qua TPP cũng khiến kế hoạch thu hút vốn FDI của Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng. Ông Thành chia sẻ, khi tin tưởng rằng TPP có hiệu lực, rất nhiều NĐT Mỹ đã khá tự tin nói là trong tương lai, Mỹ sẽ thành NĐT số 1 tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu TPP không được phê chuẩn, và với chính sách kéo NĐT Mỹ trở lại nội địa thì đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chắc chắn sẽ không được như khi NĐT còn niềm tin vào TPP. Và như vậy kỳ vọng Mỹ trở thành NĐT số 1 tại Việt Nam chắc chắn sẽ bị trì hoãn.
Sở dĩ đặt nhiều kỳ vọng vào Mỹ, theo các chuyên gia, là bởi thu hút FDI đã chuyển sang giai đoạn bền vững hơn, để các DN trong nước được đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, tiếp thu kỹ năng quản trị tiên tiến, hiện đại. Các NĐT Mỹ, với thế mạnh tài chính, công nghệ hiện đại và kỹ năng quản trị tiên tiến, đáp ứng được những kỳ vọng đó. Mỹ hiện cũng sở hữu nhiều tập đoàn xuyên quốc gia.
Trong khi đó, định hướng của Việt Nam trong thời gian tới là thu hút ngày càng nhiều dự án lớn của các tập đoàn như thế, bởi có như vậy, chúng ta có cơ hội nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, tạo tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam, và tạo cú hích để thu hút các NĐT nhỏ và vừa.