Để kéo vốn Nhật tăng trở lại
Vốn Nhật “đột kích” thị trường BĐS | |
“Dọn đường” cho vốn Nhật | |
Vốn Nhật đang rời Việt Nam |
Không có vấn đề nào mới được phía Nhật Bản đưa ra để “phàn nàn” về môi trường đầu tư tại Việt Nam, theo ghi nhận tại Tọa đàm lần thứ 4 giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tổ chức ngày 18/10. Tuy nhiên, đây không hẳn là dấu hiệu tốt khi nguồn vốn FDI Nhật Bản đổ vào Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây liên tục sụt giảm. NĐT nước ngoài được đánh giá là có chất lượng cao này hiện đã không còn đứng ở “ngôi đầu bảng” trong các đối tác rót vốn FDI vào Việt Nam.
Vốn Nhật “né” Việt Nam?
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, số lượng DN nước này đầu tư sang Việt Nam tính đến tháng 10/2016 là gần 1.600 DN. Việt Nam với cương vị là quốc gia đón vốn Nhật hiện đứng thứ 7 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Thái Lan, Indonesia. Tuy nhiên, Chủ tịch Uỷ ban Hợp tác kinh tế Me Kong - Nhật Bản Kobayashi Yoichi, cho biết cuộc cạnh tranh thu hút vốn Nhật đang ngày càng gay gắt hơn.
Vốn Nhật đang toả ra nhiều hơn vào các thị trường ASEAN ngoài Việt Nam |
Uỷ ban nói trên đã tiến hành khảo sát DN thành viên đã đầu tư hoặc đang cân nhắc đầu tư sang Việt Nam đánh giá như thế nào về môi trường kinh doanh nước ta, trên cơ sở so sánh với các nước khác. Theo đó, các nước đứng đầu trong số các nước ngoài Việt Nam mà DN trả lời rằng có cân nhắc đầu tư sang là Thái Lan, Singapore, Indonesia... Điều này cho thấy danh sách lựa chọn của NĐT Nhật Bản đang ngày càng dầy lên.
Sự “tháo chạy” của vốn Nhật ở thị trường Việt Nam cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận trong một báo cáo mới đây về đánh giá tình hình vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, nhìn từ một số đối tác trọng điểm. Theo đó, báo cáo đề cập nhiều đến việc dòng vốn Nhật đang có xu hướng sụt giảm mạnh tại Việt Nam.
Cụ thể, tính đến tháng 5/2016, Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn thứ hai trong số 114 quốc gia đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của nước này lên tới 39,2 tỷ USD, với hơn 3.050 dự án còn hiệu lực, đứng thứ hai sau Hàn Quốc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong suốt hơn 25 năm thu hút FDI của Việt Nam, Nhật Bản đã liên tục dẫn đầu trong số các quốc gia rót vốn lớn nhất, tính đến hết năm 2013.
Năm 2014, Nhật Bản đã tụt xuống vị trí số 4 trong các quốc gia đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, sau Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore. Đây cũng là vị trí thấp nhất của Nhật Bản sau nhiều năm giữ vị trí quán quân hoặc đứng thứ hai. Bên cạnh đó, “giá trị các dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đang giảm dần, chủ yếu là các dự án nhỏ”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Đáng chú ý là sự sụt giảm của vốn Nhật Bản vào Việt Nam không bắt nguồn từ việc các DN Nhật Bản giảm đầu tư ra nước ngoài. Bởi trong cùng một khoảng thời gian, vốn Nhật sụt giảm ở Việt Nam, cùng với việc rút vốn “ồ ạt” khỏi Trung Quốc thì lại có sự chuyển dịch đầu tư mạnh vào Singapore, Indonesia.
Lo chính sách chậm cải thiện
Trước bối cảnh vốn Nhật đang “toả đi” nhiều hơn vào các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, ông Kobayashi Yoichi đã chỉ ra các điểm yếu mà DN Nhật Bản đánh giá về môi trường đầu tư của Việt Nam. Đó là hệ thống chính sách pháp luật về cấp phép, thuế, kinh doanh… chưa hoàn thiện; thủ tục hành chính thiếu minh bạch; hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng… còn cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao…
Song, đáng lo ngại hơn cả là sự chậm thay đổi và cải thiện chính sách. “Trong các đối thoại trước chúng tôi đã đề cập tới các hạn chế này, nhưng tới nay vẫn chưa thấy sự cải thiện. Đây là những vấn đề mà các DN đang phải đối mặt ở Việt Nam và chúng tôi mong Chính phủ tiếp tục thay đổi”, ông cho biết.
Dựa trên đánh giá của DN, Uỷ ban Hợp tác kinh tế Me Kong - Nhật Bản đã đưa ra các kiến nghị nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Kiến nghị của cơ quan này tập trung vào 2 nhóm vấn đề là thúc đẩy thực hiện chính sách công nghiệp nhằm phát triển kinh tế hơn nữa; và nới lỏng các quy định và sửa đổi các cơ chế chính sách mở cửa nền kinh tế.
Theo đó, để thúc đẩy thực hiện chính sách công nghiệp, các NĐT Nhật Bản nhấn mạnh rằng Việt Nam cần xác lập và thúc đẩy thực hiện các chính sách công nghiệp chắc chắn. Để làm được điều này, cần xây dựng và hỗ trợ lực lượng DNNVV và coi đây là nền tảng của nền kinh tế.
Các NĐT đề xuất cần xác lập quy trình ban hành văn bản pháp luật trên cơ sở đã tham vấn đầy đủ trước với các DN FDI; có các biện pháp quá độ và xác định thời hạn đủ dài về tuyên truyền phổ biến khi sửa đổi chính sách, pháp luật; đơn giản hoá thủ tục hành chính; thực hiện các giải pháp triệt để để áp dụng thống nhất… Điều này sẽ giúp môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn hơn.
Đáp lại các mong muốn của đối tác Nhật Bản, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định, cơ quan quản lý Việt Nam luôn coi vấn đề hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính - pháp lý và nguồn nhân lực là 3 trụ cột cần thúc đẩy, cải thiện nhằm thu hút NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, ông Hoàng thừa nhận thời gian qua các chính sách liên quan đến những nhóm vấn đề này chưa thực sự tạo ra đột phá, có chuyển biến nhưng với nhu cầu hội nhập thì đòi hỏi phải nhanh hơn nữa.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Hoàng cho biết Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện các hạn chế trên để môi trường đầu tư Việt Nam tiếp tục cải thiện, thu hút nguồn vốn ngày càng chất lượng hơn.