Đừng nên lơ là với vốn Nhật
Để kéo vốn Nhật tăng trở lại | |
Vốn Nhật “đột kích” thị trường BĐS | |
“Dọn đường” cho vốn Nhật |
Dù rằng các DN Nhật Bản luôn than phiền việc đầu tư vào Việt Nam gặp nhiều rào cản và hạn chế như: thủ tục hành chính phức tạp, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, điện chưa ổn định, công nghiệp hỗ trợ kém, tỷ lệ nội địa hóa chưa cụ thể, rõ ràng…song, nếu nhìn vào thực tế thời gian qua, hành động của DN Nhật đang đi ngược với những lời họ nói.
Cụ thể hơn, lượng vốn Nhật đầu tư vào Việt Nam không hề chững lại mà trái lại tăng mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất dệt may được thể hiện rất rõ nét. Chỉ trong vài tháng, đã có vài DN lớn của Nhật mua lại, thành lập mới nhà máy xuất khẩu dệt may tại Việt Nam. Mục tiêu là sản xuất hàng may mặc cho các thương hiệu nổi tiếng của Nhật để xuất khẩu đi toàn thế giới.
Ảnh minh họa |
Đơn cử, chỉ mới đặt chân vào Việt Nam từ năm 2014 bằng cách mở xưởng tại KCN Phú Hà Viglacera, Tập đoàn Matsuoka Corporation (Nhật Bản) đã rất nhanh chóng bành trướng khi công bố mở rộng đầu tư nâng công suất lên gấp 6-7 lần.
Cụ thể, lúc đầu Công ty TNHH Phú Thọ Matsuoka thuộc Matsuoka Corporation chỉ thuê lại nhà xưởng đã có sẵn tại KCN Phú Hà Viglacera, để lắp đặt máy móc, thiết bị, đưa vào vận hành dây chuyền may xuất khẩu, với tổng mức đầu tư khoảng 5 triệu USD. Sau khi nhận giấy phép đầu tư nhà máy may xuất khẩu vào Phú Thọ, một thời gian ngắn sau đó, nhà máy đã được hoàn thiện, công suất 1 triệu sản phẩm/năm, quy mô 500 lao động.
Hiện nay, Công ty TNHH Phú Thọ Matsuoka đã công bố đầu tư mở rộng công suất nhà máy lên 7 triệu sản phẩm/năm, sử dụng khoảng 3.000 lao động, chủ yếu sản xuất các sản phẩm may mặc cho thương hiệu Uniqlo để xuất khẩu sang thị trường Nhật. Được biết, Công ty TNHH Phú Thọ Matsuoka ngoài mở rộng đầu tư tại Phú Thọ còn mua lại nhà máy tại Bắc Giang.
Thực tế, không chỉ có Tập đoàn Matsuoka lặng lẽ tỏa chân rết, mà hiện nay, đồng hương của Matsuoka là Công ty Sakai Amiori và một số DN lớn của Nhật Bản khác cũng đã hoàn thành việc thuê đất, xây dựng nhà máy may tại Việt Nam. Sakai Amiori, một DN chuyên hoạt động trong lĩnh vực dệt may của Nhật Bản với quy mô khoảng 30 nhà máy, không chỉ là đơn vị sản xuất, công ty này còn đào tạo lao động trong lĩnh vực dệt may.
Có thể thấy, việc dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam của các DN Nhật đang mang tính gấp rút chứ không còn ở giai đoạn nghiên cứu như trước. Theo thông tin từ Hiệp hội hỗ trợ DN Nhật Bản tại Việt Nam, các DN Nhật chọn đầu tư vốn vào Việt Nam xây dựng nhà máy đã tính toán rất kỹ càng. Đơn cử như Sakai Amiori, quyết định đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam vì họ nhận thấy ưu thế về nguồn nhân lực giá rẻ và lợi thế xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới khá cao.
Về mặt đầu tư, việc thu hút được vốn đầu tư của các DN FDI là một thành công lớn cho đất nước Việt Nam. Thế nhưng, ở mặt nào đó, đây cũng chính là yếu tố khiến cho nhiều DN trong nước, vốn không có lợi thế về kỹ thuật, công nghệ, nguồn nguyên liệu… phải suy nghĩ nhiều hơn.
Nói như vậy vì các DN quốc tế họ luôn có lợi thế về thị trường. Chẳng hạn, với Matsuoka Corporation, vốn là đối tác của các thương hiệu may mặc hàng đầu như Uniqlo, Tore, Korabu… Doanh thu hàng năm của tập đoàn này lên tới 57 tỷ Yên, tương đương 530 triệu USD, đứng số 1 Nhật Bản và thứ 11 trên thế giới, sở hữu 17 nhà máy sản xuất đặt tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Banglades, Myanmar... Nay, việc tận dụng được nhân công giá rẻ cũng như những chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam, họ chỉ có một con đường duy nhất là tiến xa hơn nữa.
Trong khi đó, phần lớn các DN dệt may trong nước đang ở một tình trạng chung, đó là: Đơn hàng thiếu, sản xuất đình trệ, nhiều DN dừng đầu tư mới, thậm chí thu hẹp sản xuất...
Cụ thể, trong một diễn đàn liên quan đến ngành, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng công ty May Hưng Yên chia sẻ: tổng công ty có 13 DN với hơn 14.000 lao động.
Nếu như mọi năm, tới thời điểm này số lượng đơn hàng của tổng công ty đủ cho cả 13 công ty con làm gia công cả năm, thì năm nay, tình hình kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Lý do vẫn xoay quanh chuyện chi phí trong nước liên tục tăng mạnh trong khi đơn hàng ít, khách hàng yêu cầu giảm giá từ 10-15%...
Và cũng vì mãi loay hoay với những lý do cố hữu, ngành dệt may trong nước đang đi thụt lùi khi tăng trưởng ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm lại đây. Đáng chú ý, sự tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu là do sự đóng góp của các DN FDI. Như vậy, trong tiến trình ngày càng có nhiều DN ngoại dồn vốn đầu tư, một chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN trong nước lúc này phải tái cấu trúc nhanh và mạnh hệ thống chứ không còn thời gian để đổ lỗi cho thị trường, chính sách. Bởi, lúc này đây, nếu không tự cứu mình thì sẽ không có ai cứu.
Thừa nhận điều này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng, các DN dệt may trong nước cần cải tổ nhanh và mạnh hơn nữa, trong đó có sự chủ động về nguyên liệu, đổi mới công nghệ may và nâng cao năng lực thiết kế thời trang.
Ngoài ra, ba yếu tố khiến hàng dệt may nói riêng và nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói chung không thể cạnh tranh với các nước là chính sách tỷ giá, tiền lương tối thiểu và lãi vay ngân hàng cần được tính toán lại sao cho hợp lý nhất. Ngay khi xác định được nguyên nhân nội tại, thì giải pháp sẽ được rút ra một cách phù hợp nhất...