Thu hút FDI cần thực chất hơn
Thu hút FDI 8 tháng: Vốn đăng ký tăng 7,7%; vốn thực hiện tăng 8,9% | |
Phải giải được bài toán “lan tỏa” trong thu hút FDI | |
Thu hút FDI: Tín hiệu sáng từ đầu năm |
Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục tăng kể từ năm 2012. Cho đến cuối tháng 9 vừa qua, con số này đã đạt trên 11 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu đà tăng này còn tiếp diễn, khả năng trọn năm nay nguồn vốn FDI giải ngân từ các dự án đầu tư vào Việt Nam sẽ lần đầu tiên vượt 15 tỷ USD.
Triển vọng kinh doanh tại Việt Nam vẫn tương đối sáng sủa cho các DN ngoại, nhất là trong bối cảnh nước ta đang duy trì lợi thế về chi phí nhân công rẻ, giá năng lượng cạnh tranh, và công tác kiểm soát tác hại đến môi trường từ dự án công nghiệp còn chưa chặt chẽ.
Chính vì thế, nguồn vốn FDI “tự tin” đổ vào Việt Nam và đang khẳng định vai trò nhất định của khối ngoại trong nền kinh tế: tốc độ tăng giá trị đầu tư cao hơn khu vực trong nước; tăng trưởng xuất khẩu cao hơn; một số DN lớn đã và đang từng bước đặt “đại bản doanh” của mình tại đây…
Ảnh minh họa |
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của khu vực FDI trong tiến trình hội nhập vừa qua. Nếu coi công nghiệp hóa là mũi nhọn phát triển, thực tế nền sản xuất trong nước đang tạo ra nhiều hàng hóa vượt quá khả năng tiêu thụ của dân chúng. Chính vì vậy, thị trường thế giới đã được mở ra cho các DN Việt Nam, với các cam kết hội nhập liên tục được ký kết.
Trong dòng chuyển động của nền kinh tế đó, khối ngoại có đóng góp khá lớn, đặc biệt là về vốn cho đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, điều gì mà khối này mang lại cho nền kinh tế, ngoài các con số về vốn, lại là điều còn bàn cãi.
Kim ngạch xuất khẩu của khối ngoại liên tục tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, một số DN có qui mô lớn, có thương hiệu và mạng lưới sản xuất kinh doanh toàn cầu đã liên tục mở rộng qui mô sản xuất tại Việt Nam, đã đưa chúng ta vào bản đồ công nghiệp thế giới. Tuy nhiên, thực tế đóng góp của hoạt động xuất nhập khẩu cho tăng trưởng kinh tế hiện nay lại không nhiều. Chẳng hạn như trong 9 tháng đầu năm nay, phần đóng góp này là âm (-) 1,9 điểm phần trăm.
“Xuất nhập khẩu đóng góp không nhiều vào tăng trưởng, vì phần Việt Nam thực sự được hưởng cũng chỉ là công gia công”, một lãnh đạo cấp Vụ của Tổng cục Thống kê nhận xét. Cho dù đã qua 30 năm thực hiện chủ trương mở cửa, cho dù độ mở nền kinh tế liên tục tăng lên, vốn FDI vào ngày càng nhiều… nhưng khả năng cải thiện giá trị gia tăng của nền kinh tế không có nhiều thay đổi. Điều này cho thấy kỳ vọng khối ngoại khi đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp chuyển giao công nghệ, hình thành chuỗi giá trị toàn cầu với Việt Nam là một điểm kết nối… để lan tỏa trong nền kinh tế năng lực cạnh tranh mới chưa thực sự thành công.
Theo cơ quan thống kê phân tích, khu vực FDI chủ yếu vẫn là DNNVV (chiếm 80% theo quy mô lao động và trên 70% theo quy mô vốn đầu tư). Và vì quy mô DN như vậy, khu vực này ít đầu tư công nghệ mà chủ yếu là gia công, lắp ráp. “Xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng cao, tăng trưởng cao nhưng chủ yếu là gia công, lắp ráp nên hàm lượng giá trị tăng thêm không cao”, vị lãnh đạo cấp Vụ nọ cho biết thêm. Chính vì vậy mà tỷ trọng khu vực FDI chiếm trong GDP tăng chậm qua các năm, bình quân thời kỳ 2011-2015 chiếm gần 17% GDP.
Trong khi đó, cơ quan thống kê cho biết thu nhập sở hữu (thông qua vốn đầu tư, lao động) của khu vực FDI tăng qua các năm, bình quân năm thời kỳ 2011-2015 là gần 7,6 tỷ USD, riêng năm 2015 là 10 tỷ USD. Như vậy, đồng nghĩa với việc dòng tiền có khả năng chuyển ra bên ngoài ngày càng lớn và đang dần bắt kịp dòng vốn FDI đổ vào.
Điều đó cho thấy, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn tới cần nhắm đến các dự án có khả năng cạnh tranh cao, những mô hình sản xuất bền vững, có khả năng gắn kết lâu dài với khu vực kinh tế trong nước. Đó nên là những dự án đi sâu vào công nghệ cao và nghiên cứu phát triển chứ không phải những dây chuyền lắp ráp với rất ít hàm lượng công nghệ, rất “hẹp” về đóng góp giá trị gia tăng cho nền kinh tế, đồng thời lại chịu rủi ro dòng vốn rút ra khỏi thị trường. Đây cũng là điều rất cần cân nhắc khi các hiệp định FTA thế hệ mới đang tiếp tục được Việt Nam theo đuổi.