Gắn kết tín dụng thương mại với tín dụng chính sách
Ngày 28/6, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm (giai đoạn 2012 – 2016) thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam bộ.
Chủ trì Hội nghị có đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; đồng chí Sơn Minh Thắng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; đồng chí Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN Việt Nam; đồng chí Võ Thành Thống – Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ và đồng chí Dương Quyết Thắng – Tổng giám đốc NHCSXH... cùng hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, NHCSXH các Chi nhánh và các tổ tiết kiệm và vay vốn tiêu biểu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tặng Bằng khen cho tập thể cá nhân |
Thành công của Đề án
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, đến ngày 31/12/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Nam bộ đạt 27.838 tỷ đồng, với trên 2.062 nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng 10.918 tỷ đồng, tăng 64,5% so với cuối năm 2011. Tốc độ tăng trưởng tín dụng chính sách bình quân giai đoạn 2012 - 2016 của toàn khu vực là 10,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung toàn quốc 1,8%.
Chất lượng tín dụng trong vùng được cải thiện. Đến hết năm 2016, tổng nợ quá hạn của các tỉnh trong khu vực là 224.542 triệu đồng, chiếm 0,81% tổng dư nợ; giảm 410.224 triệu đồng, giảm 3,3% so với thời điểm xây dựng Đề án, tất cả 13/13 tỉnh, thành phố trong vùng đều giảm nợ quá hạn.
Ông Sơn Minh Thắng cho biết: Vùng Tây Nam bộ đã hình thành mạng lưới gần 39.600 Tổ TK&VV ở tất cả các ấp, phum, sóc, tổ dân phố. Trong 5 năm qua, các chi nhánh NHCSXH đã cho vay gần 33.400 tỷ đồng từ 17 chương trình tín dụng chính sách cho hơn 2,3 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách. Hoạt động này đã có tác động to lớn, đem lại sự ổn định cho khu vực nông thôn, nông dân Tây Nam bộ, góp phần xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững. Đồng vốn NH cũng góp phần triển khai thành công các chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng tại ĐBSCL vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực. Đề nghị Chính phủ bố trí tăng nguồn vốn và nâng mức cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại vùng ĐBSCL để NHCSXH mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm” – ông Sơn Minh Thắng đề nghị.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị |
Nhân dịp này Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã tặng Bằng khen cho 26 tập thể và 16 cá nhân; Bằng khen của Thống đốc NHNN cho Vụ Kinh tế, Vụ Văn hóa xã hội; và Văn phòng của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; NHCSXH Việt Nam tặng Giấy khen cho 5 tập thể và 127 cá nhân đã có thành tích trong 5 năm thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ. |
Hoàn thiện các cơ chế, hành lang pháp lý cho tín dụng chính sách
Nguồn vốn của NHCSXH được sử dụng hiệu quả hay không có vai trò quan trọng của chính quyền cấp huyện, xã và tổ tiết kiệm và vay vốn. Ông Bùi Minh Quận – Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Long Hồ cho biết, trong quá trình thực hiện Đề án, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện họp định kỳ để kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đề ra trong kỳ họp trước, trong đó trọng tâm là đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu đề án đã đặt ra. Đến nay, chất lượng tín dụng chính sách tại huyện Long Hồ đã có nhiều chuyển biến tích cực, có 4/5 chỉ tiêu đã đạt mục tiêu đề án đặt ra. Toàn huyện đến nay không còn đơn vị cấp xã nào có tỷ lệ nợ quá hạn trên 1%, đặc biệt có xã Lộc Hòa không có nợ quá hạn.
Bà Kim Thị Thu Hà – Tổ trưởng Tổ TK&VV ấp Bến Trị, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh chia sẻ với hội nghị về cách giúp bà con vay vốn sử dụng hiệu quả. Bà nói: Từ khi có nguồn vốn NHCSXH, bà đã vận động người dân trong ấp có nhu cầu vay vốn tham gia vào Tổ, cùng với Hội đoàn thể, Ban nhân dân của ấp bình xét đối tượng vay vốn theo đúng quy định một cách công khai, dân chủ, ưu tiên những hộ khó khăn hơn. “Chúng tôi không chia đều, sẻ mỏng đồng vốn được phân bổ mà căn cứ vào nhu cầu, mục đích sử dụng vốn của tổ viên, tạo điều kiện để các thành viên trong tổ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi thuận lợi và nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các tổ viên...
Các tập thể và cá nhân nhận Bằng khen của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ |
Đánh giá cao hiệu quả từ vốn vay của NHCSXH, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ ngân hàng, đồng chí Thống đốc NHNN là Chủ tịch HĐQT, đồng chí Phó Thống đốc là thành viên HĐQT NHCSXH, trong thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN, các đơn vị chức năng của NHNN cũng như các NHTM Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện tối đa cho NHCSXH trong việc ban hành các cơ chế chính sách có liên quan và đảm bảo nguồn vốn cho vay, giúp NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, NHNN cũng tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ cho công tác giảm nghèo từ các tổ chức quốc tế…
Thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cấp ủy chính quyền địa phương các tỉnh ĐBSCL, các tổ chức chính trị triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đối với hoạt động tín dụng nói chung và hoạt động tín dụng chính sách nói riêng. Trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho NHCSXH hoạt động an toàn, hiệu quả hơn; Hoàn thiện và tăng cường sự phối hợp với chính quyền địa phương, phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trong việc việc tham gia quản lý hỗ trợ NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách; Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp điều hành CSTT, tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện cho các TCTD tập trung vốn tín dụng cho vay các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực có nhiều tiềm năng thế mạnh của vùng. Tổ chức triển khai các chương trình tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng cho vay các sản phẩm có giá trị thương mại cao, có tác động lan tỏa lớn và tạo điều kiện cho những hộ mới thoát nghèo tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tín dụng thương mại để có điều kiện thoát nghèo bền vững. Gắn kết tín dụng thương mại với tín dụng chính sách tạo cơ sở vững chắc cho mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam bộ cũng đúng dịp 3 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Qua các ý kiến phát biểu có thể thấy, trước đây dư nợ khu vực này rất thấp; tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với bình quân cả nước nhưng nợ xấu cao. Sau 5 năm thực hiện Đề án và sau 3 năm triển khai Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, thành tích đạt được là rất ấn tượng. Đạt được kết quả trên, theo tôi là do cả hệ thống chính trị vào cuộc gồm các cấp ủy chính quyền, hội đoàn thể và đông đảo các thành viên vay vốn. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn với việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là công cụ của dân, do dân và vì dân khi người dân tham gia bình xét, thực hiện chính sách cho vay này. Cả nước hiện nay có tới 190 nghìn tổ TK&VV; 11 nghìn điểm giao dịch tại xã, cho thấy chương trình cho vay của NHCSXH có sự lan tỏa không chỉ cấp huyện, xã mà còn tới các thôn, bản. Đặc biệt, nợ quá hạn trong lĩnh vực cho vay này thấp; vốn vay thiết thực, bà con chắt chiu trả nợ. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, chính người dân tham gia vào lĩnh vực này và họ làm tốt nên nợ xấu hiện nay của NHCSXH chỉ 0,6%. Tuy nhiên, tôi lưu ý, hiện nay tổng dư nợ của cả hệ thống NHCSXH là 157 nghìn tỷ đồng nhưng ĐBSCL dư nợ chỉ 28 nghìn tỷ đồng; cả nước hiện có 6,7 triệu hộ vay vốn NHCSXH nhưng ĐBSCL cũng chỉ có gần 2,4 triệu lượt hộ. Vì vậy, đề nghị, cấp ủy đảng, chính quyền khu vực ĐBSCL phải phấn đấu trong 3-5 năm tới 100% hộ nghèo, đối tượng chính sách nếu đủ điều kiện có nhu cầu thì phải được tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, phải hạn chế, đẩy lùi tín dụng phi chính thức, nhất là tín dụng đen ở khu vực nông thôn. Muốn vậy phải phát triển tín dụng chính sách góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn. Phải tính toán tăng dư nợ, mức bình quân vay vốn lên và số hộ vay vốn tăng lên. Về huy động nguồn vốn cho tín dụng chính sách, trong điều kiện khó khăn nhưng Đảng và Chính phủ vẫn dành 20-30 nghìn tỷ đồng trong kế hoạch nguồn vốn trung dài hạn để đầu tư cho NHCSXH, trong đó có 5.000 tỷ đồng cấp vốn điều lệ; 3.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất cho chương trình cho vay nhà ở xã hội. NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM tiếp tục bố trí số dư tiền gửi 2% của NHTM để chuyển cho NHCSXH hoạt động; đề nghị các tỉnh, thành phố tăng thêm nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang cho NHCSXH cho vay. Mặc dù ngân sách địa phương khó khăn nhưng cũng phải bớt chi tiêu để đưa vốn sang NHCSXH triển khai cho vay, bởi làm như vậy sẽ giúp người dân trong địa bàn tiếp cận được vốn vay. NHCSXH cũng phải thông qua các điểm giao dịch, tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh huy động tiền trong dân. Ngoài ra, tôi đề nghị, NHCSXH phối hợp bàn với các địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế từ đối tượng vay vốn, định mức cho vay, thủ tục cho vay, theo hướng càng đơn giản càng tốt. Bởi về cơ bản, bà con vay vốn nghiêm túc, chắt chiu trả nợ, nên chúng ta đừng quá lo lắng mà thay vào đó là thủ tục phải đơn giản nhất, điều kiện cho vay phải rõ ràng, minh bạch. Nhất là NHCSXH cần tập trung cho vay một số chương trình trọng điểm như cho vay giải quyết việc làm, phát triển kinh doanh; cho vay khởi nghiệp, ưu tiên những doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động. Tôi đề nghị NHCSXH nghiên cứu điểm này. Đề nghị các Hội đoàn thể là Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên chúng ta phải quản lý tốt công tác ủy thác vốn. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách, đồng thời đảm bảo tính nhân văn của chính sách. Nếu làm tốt sự phối hợp, tôi tin tưởng rằng, sau 5 năm nữa, khi tổng kết Đề án 10 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam bộ, bức tranh về hiệu quả tín dụng sẽ tốt hơn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đảng và Chính phủ. |