Khi cây sắn lên ngôi
“Sắn vốn được coi là món quà tặng của Thượng đế dành cho người nghèo, bởi mức độ phổ quát và tính thích nghi cao của nó”, ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết. Và nay, sắn đang mang lại nguồn thu lớn cho nông hộ.
Cây sắn tạo thu nhập cho nhiều nông hộ, thúc đẩy xuất khẩu |
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đến nay cây sắn được trồng ở tất cả 7 vùng sinh thái trên cả nước, tuy nhiên diện tích tập trung nhiều nhất là tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Diện tích sắn toàn quốc giai đoạn 2010 - 2014 phát triển tương đối ổn định, dao động từ 544.100 - 559.800 ha, riêng năm 2014 đạt 551.100 ha. Năng suất sắn cũng được cải thiện đáng kể, đạt bình quân 18,5 tấn/ha (năm 2014)...
Được coi là “thủ phủ” của cây sắn, đến nay Tây Ninh đã có 50.000 ha sắn, chiếm 10% diện tích và 15% sản lượng cả nước. Nhờ áp dụng các biện pháp thâm canh, mà năng suất sắn của Tây Ninh thuộc diện cao nhất cả nước (bình quân 30 tấn/ha).
“Sắn đang được coi là cây trồng chiến lược của tỉnh, nhờ đầu ra ổn định, lợi nhuận khá nên diện tích sắn trên địa bàn mấy năm nay tăng khá nhanh. Năng suất sắn của Tây Ninh tương đối cao nhờ nông dân áp dụng biện pháp tưới nước, bón phân đầy đủ. Sắn cũng cần rất nhiều phân hữu cơ, chính điều này khiến việc trồng sắn không hề ảnh hưởng đến chất lượng đất”, ông Võ Văn Trọng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết.
Ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối cho rằng, dư địa để ngành chế biến sắn phát triển tương đối rộng mở bởi nhu cầu thị trường đang tăng mạnh. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc đang cần một khối lượng lớn sắn để sản xuất ethanol. Ngoài ra, sức mua của các thị trường lớn khác như Hàn Quốc, Philipines cũng liên tục tăng trong các năm 2011 - 2014.
Hiện tại, nhu cầu thu mua sắn để chế biến ở trong nước cũng đang gia tăng. Trên địa bàn cả nước có khoảng 100 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tập trung ở các tỉnh, vùng trồng sắn trọng điểm của cả nước với tổng công suất thiết kế đạt trên 2,2 triệu tấn sản phẩm/năm, hiện mới phát huy được trên 60% công suất thiết kế.
Tuy nhiên, ngành sắn đang đối mặt với một số vấn đề lớn như năng suất cây trồng chưa cao và nhiều loại dịch bệnh đe dọa… Đồng thời, theo đánh giá, trình độ công nghệ chế biến tinh bột sắn của Việt Nam ở mức trung bình so với thế giới, sử dụng công nghệ chủ yếu của Trung Quốc, Thái Lan. Đa số các nhà máy chế biến đều có đầu tư hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nhưng hiệu quả hoạt động chưa đạt yêu cầu...
Chính vì vậy, thời gian qua, cây sắn gần như không được ưu tiên phát triển. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận, bản thân ông cách đây 10 năm đã ra chỉ thị yêu cầu các địa phương kiểm soát diện tích trồng sắn, vì lúc đó rất nhiều ý kiến cho rằng cây sắn gây thoái hóa đất.
“Nhưng có lẽ chúng ta đã nhầm, cây sắn không có lỗi, lỗi là do chúng ta không hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp canh tác đúng để vừa nâng cao năng suất, vừa đảm bảo độ phì nhiêu của đất”, Bộ trưởng Phát nói.
Theo định hướng của Bộ NN&PTNT, để phát triển sản xuất sắn bền vững trong thời gian tới, cần khắc phục các tồn tại trong thời gian qua, đồng thời tập trung triển khai một số nội dung và giải pháp chủ yếu sau: Quy hoạch vùng trồng sắn tập trung theo hướng linh hoạt, có đầu tư thâm canh, diện tích khoảng 550.000 ha; Tăng cường sử dụng giống mới có năng suất và hàm lượng tinh bột cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; Liên kết chặt chẽ giữa nông dân với DN theo hướng các DN đầu tư kinh phí mua giống, phân bón cho vùng sản xuất tập trung có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định...