Giảm nghèo bền vững ở huyện “Ba mươi a”
Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đang nỗ lực vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Bên cạnh sự đóng góp, đầu tư tích cực từ nhiều chương trình, dự án dành cho huyện nghèo Hà Quảng theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ thì nguồn vốn tín dụng chính sách được coi là “đòn bẩy” giúp đồng bào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Nhờ vốn tín dụng chính sách, người dân huyện nghèo Hà Quảng (Cao Bằng) có điều kiện để chăn nuôi hướng đến thoát nghèo bền vững |
Từ sự đầu tư của dòng vốn tín dụng chính sách đã xuất hiện nhiều gương thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá giả. Điều này thật ý nghĩa đối với bà con, vì chính sự thay đổi đáng quý trong hướng thoát nghèo này đã tác động làm thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế từ nông nghiệp.
Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hà Quảng, Cao Bằng, trong 5 năm, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền từ các cấp trong tỉnh, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn đã góp phần giúp 1.530 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 5.650 lao động, xây dựng 489 căn nhà cho hộ nghèo, 1.137 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMT), 137 lao động đi xuất khẩu lao động, 2.350 HSSV yên tâm đi học…
Tăng cường cho vay đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn, nợ quá hạn trên địa bàn là 160 triệu đồng; chiếm 0,1% tổng dư nợ, giảm 167 triệu đồng so với cuối năm 2010.
Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Hà Quảng đạt 158 tỷ đồng, tăng 54 tỷ đồng so với cuối năm 2010; doanh số cho vay trong 5 năm đạt 199 tỷ đồng, cùng với đó, doanh số thu nợ trong 5 năm đạt 145 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng đánh giá: Cách đây hơn 10 năm, người nghèo ở các xã ngại vay vốn lắm vì họ vay về không biết làm gì. Nhưng nhờ sự phối hợp tốt giữa NHCSXH và chính quyền, đoàn thể địa phương nên nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thâm canh, phát triển sản xuất. Chẳng hạn như người dân ở các xã Kéo Yên, Hạ Thôn, Trường Hà, thị trấn Xuân Hòa… từ lâu chỉ biết trồng lúa nương nhưng nay khi vay được nguồn vốn ưu đãi đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa theo công thức “3 cây + 2 con” (cây ngô, cây lạc hàng hóa, cây thuốc lá, nuôi bò, lợn đen) và cung cấp cho thị trường miền xuôi, tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện Hà Quảng hàng năm giảm đáng kể từ 3 - 4%; quốc phòng an ninh của huyện được đảm bảo”.
Để hiểu rõ hơn về đổi thay trong đời sống của đồng bào nơi đây, chúng tôi tới thăm gia đình ông Đào Đình Páo, người dân tộc Mông ở xóm Kéo Nậm, xã Hạ Thôn vay vốn tới 3 lần về nuôi bò sinh sản và thâm canh 2ha ngô lai trên đồi đá dốc. Có vốn cùng sự cần cù, chịu khó biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện xóa nghèo bền vững vươn lên làm giàu.
Cũng thông qua những lần vay vốn ưu đãi, gia đình chị Hứa Thị Loan, người dân tộc Nùng ở xóm Yên Luật, thị trấn Yên Hòa đã lựa chọn xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp theo phương pháp bán công nghiệp. Nhờ chăm chỉ, áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi nên đàn gia súc, gia cầm của gia đình chị Loan phát triển nhanh, gồm 2 dãy chuồng nuôi 10 lợn nái, 25 lợn hậu bị, cùng 1.000m2 ao cá, 60 thùng nuôi ong lấy mật, mỗi năm doanh thu gần 200 triệu đồng.
Ông Đàm Hồng Tân, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hà Quảng khẳng định: Hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, góp phần vào thắng lợi của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới.
Từ nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu vay vốn của bà con nhân dân, thủ tục cho vay nhanh gọn, không phải thế chấp bằng tài sản nên đã tăng cường và củng cố lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, công tác vận động tuyên truyền về phong trào và công tác Hội, đoàn thể được nồng ghép cả công tác vay vốn của NHCSXH đã giúp người dân vay vốn tích cực mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định xã hội trên địa bàn huyện.
Để thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, NHCSXH bám sát các chỉ đạo của ngành, huyện để thường xuyên kiểm tra giám sát nội bộ nhằm quản lý sát sao và hiệu quả nguồn vốn được giao. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn và hoạt động Tổ giao dịch. Làm tốt công tác tuyên truyền đến nhân dân trên huyện để hộ dân biết và tiếp cận với nguồn vốn khi có nhu cầu, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đưa Hà Quảng ra khỏi huyện nghèo một cách bền vững.