Gieo vốn ở Sông Hinh
Cho thảo nguyên thêm xanh... | |
Góp sức kích cầu tín dụng tiêu dùng | |
Tập trung vốn phát triển sản xuất kinh doanh |
Mỗi lần đến Sông Hinh, một huyện miền núi nằm ở phía tây nam Phú Yên, tôi đều rất ấn tượng với những đổi thay nhanh chóng ở nơi đây. Có được sự phát triển ở vùng quê đất đỏ bazan này, những đóng góp âm thầm của đồng vốn ngân hàng là không hề nhỏ…
Sông Hinh nằm cách TP. Tuy Hòa khoảng 60 km về hướng tây. Thị trấn Hai Riêng là trung tâm huyện thị của Sông Hinh được nhiều người gọi là “Đà Lạt thu nhỏ”, nhờ thời tiết mát mẻ, những ngọn đồi uốn lượn. Đặc biệt ở đây cũng có hồ một Xuân Hương thơ mộng nằm ngay ở trung tâm thị trấn. Từ Hai Riêng, theo chân mấy anh em trong Agribank Sông Hinh, chúng tôi ngược theo quốc lộ 29 lên xã Ea Bar. Đi giữa những cánh rừng cao su xanh tốt bạt ngàn thấp thoáng có những hồ nước đẹp đến nao lòng. Được biết, Sông Hinh là nơi cung cấp điện lớn cho cả Phú Yên, với hai nhà máy thủy điện là sông Hinh và sông Ba Hạ. Đây cũng là điểm rất hấp dẫn du khách, đặc biệt là các bạn trẻ.
Nguồn vốn ngân hàng, góp phần để Sông Hinh phát triển cây cao su |
Cùng đi thực tế, làm “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ là các anh trong ban giám đốc Agribank Sông Hinh. Phó giám đốc chi nhánh Lê Hoàng Anh còn khá trẻ. Từ quê nhà Nghệ An, anh vào mảnh đất Phú Yên lập nghiệp. Trưởng thành từ cán bộ tín dụng rồi lên đến phó giám đốc, đến nay anh đã gắn bó mười mấy năm với mảnh đất này. Trao đổi với phóng viên, anh Lê Hoàng Anh chia sẻ, Sông Hinh có nhiều tiềm năng lắm, đặc biệt là điều kiện đất đai, thổ nhưỡng để phát triển các cây công nghiệp như: cao su, mía, cà phê…
Gần đây, phong trào làm trang trại phát triển khá nhanh ở địa phương và đã có nhiều gia đình “phất” lên nhờ làm trang trại. Ở Phú Yên cũng xuất hiện nhiều hơn những tỷ phú “chân đất”. Trong số đó, có ông Phạm Ngọc Tuyến ở thôn Chưblôi, xã Ea Bar. Năm 1985, với hai bàn tay trắng ông Tuyến từ Nam Định vào Sông Hinh lập nghiệp. Những ngày mới vào, nhìn thấy đất rừng ở đây bao la, rộng lớn với nhiều tiềm năng vợ chồng ông quyết tâm gây dựng từ mảnh đất này. Không ngại khó ngại khổ, vừa làm vừa học hỏi. Lấy ngắn nuôi dài, ông đã thuê người thâm canh, một số cây ngắn ngày như, mì, đậu các loại, nhưng cuộc sống vẫn chưa cải thiện được bao, khó khăn tiếp tục đeo bám. Chỉ đến khi Phú Yên có chủ trương phát triển cao su tiểu điền, vào năm 2001 ông mới mạnh dạn thế chấp “sổ đỏ” vay 50 triệu đồng từ Agribank Sông Hinh để trồng cao su.
Với sự trợ giúp vốn của ngân hàng, từ không có đến có, từ ít đến nhiều… đến hôm nay, gia đình ông đang sở hữu gần 20 ha rừng. Trong đó, chủ yếu trồng cây cao su, sầu riêng, mít… Tính ra doanh thu mỗi năm xấp xỉ 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động ở địa phương. Chúng tôi đến thăm trang trại của ông nằm dưới một con dốc đất đỏ trơn trượt, bạt ngàn những cây cao su đang trong thời kỳ thu hoạch. Ông Tuyến cho biết thêm, có thể cao su giờ đây đã không còn là “vàng trắng”. Nhưng nếu so sánh về hiệu quả kinh tế, thì cũng chưa có loại cây trồng nào qua mặt được cao su ở vùng đất này. Chẳng thế, mà trong thời điểm cao su rớt giá, nhiều nơi chặt bỏ, nhưng nhiều hộ dân ở Ea Bar vẫn quyết tâm kiên trì bám trụ với cao su.
Sát bên trang trại của ông Tuyến là trang trại nuôi heo của ông Nguyễn Trường Đồng. Đây cũng là một khách hàng truyền thống của Agirbank Sông Hinh. Hiện, dư nợ của ông Đồng tại Agribank Sông Hinh lên đến gần 2 tỷ đồng. Với sự tiếp sức mạnh mẽ của ngân hàng, từ một trang trại nhỏ lẻ nằm dưới tán cây cao su, đến nay, trang trại đang có khoảng 1 nghìn con heo thịt đến kỳ xuất chuồng.
Ngoài ra, ông Đồng còn sở hữu 8 ha đất rừng trồng cây ăn quả các loại như cam, sầu riêng, xoài… mỗi năm doanh thu cũng lên đến hàng tỷ đồng. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Thực tế, ở Ea Bar hay Ea Bia, Ea Lâm, Ea Ly, Ea Trol... những địa phương khác ở Sông Hinh, hiện có rất nhiều những tỷ phú “chân đất” như ông Tuyến hay ông Đồng. Điểm chung của họ là nỗ lực vươn lên để làm kinh tế gia đình với hỗ trợ kịp thời về vốn của Agirbank.
Huyện Sông Hinh hội tụ 18 dân tộc khác nhau trong đó gần 50% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Ê Đê. Những năm trước, kinh tế của nhiều hộ gia đình ở đây còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, sự tiếp sức, đồng hành từ ngân hàng góp phần làm thay đổi đời sống của nhiều người dân địa phương. Theo đại diện UBND xã Ea Bar, toàn xã đang có gần 1.400 hộ dân có thu nhập ổn định từ việc canh tác hơn 7.000 ha đất nông nghiệp.
Những năm gần đây, bà con đẩy mạnh trồng tiêu, cà phê, mía và sắn nên cần rất nhiều vốn đầu tư ban đầu. Cái khó về vốn làm ăn nông dân đã được Agribank Sông Hinh đáp ứng kịp thời. Không những lo đủ cái ăn, nhiều nhà đã làm ăn khấm khá, phất lên nhờ trang trại, hay chăn nuôi từ một vùng đất này. Từ một huyện miền núi nhiều khó khăn, đến nay Sông Hinh đã từng bước thoát khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển, liên tục đổi mới và gặt hái nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh... Năm 2016, toàn huyện có ba xã được công nhận đạt xã nông thôn mới, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Ông Nguyễn Phú Ngần, Giám đốc Agribank Sông Hinh cho biết, để tiếp vốn cho bà con đơn vị luôn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa và hạn chế nợ xấu phát sinh. Đồng thời, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; định hướng kinh doanh của Agribank Phú Yên. Năm 2016, tổng nguồn vốn huy động của đơn vị đạt 189.690 triệu, tăng 19.596 triệu, tỷ lệ tăng 12% so đầu năm, vượt 5,38% kế hoạch tỉnh giao. Dư nợ đạt 767.542 triệu, tăng 200.767 triệu, với tỷ lệ tăng 35,42% so đầu năm. Bình quân dư nợ/cán bộ đạt 38.377 triệu đồng…
Đặc biệt, thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ, hiện nay 100% dư nợ của chi nhánh tập trung cho vay nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thời gian gần đây việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở địa phương còn chậm so với kế hoạch ảnh hưởng phần nào đến hoạt động cho vay của ngân hàng trên địa bàn. Tình hình thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực như cao su, cà phê, sắn, mía bấp bênh, không ổn định và có chiều hướng giảm. Trong khi, giá các mặt hàng phục vụ nông nghiệp như phân bón, công lao động... lại tăng. Những điều này không chỉ là khó khăn cho bà con mà cũng là thách thức đối với hoạt động của Agribank Sông Hinh, song ông Nguyễn Phú Ngần khẳng định, chi nhánh sẽ vẫn tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Cho vay các đối tượng hộ sản xuất và cá nhân, phù hợp với chính sách và định hướng phát triển kinh tế của địa phương...
…Chia tay với Sông Hinh, vùng đất nghĩa tình, đang thay da, đổi thịt từng ngày. Chúng tôi càng tin yêu mảnh đất này hơn khi biết rằng, đồng vốn của Agribank vẫn đang ngày đêm âm thầm ươm những mầm xanh trên đất đỏ bazan.
Agribank Sơn La chung tay xoa dịu mất mát của bà con vùng lũ Huyện Mường La - tỉnh Sơn La vừa gánh chịu nhiều mất mát cả người và của từ trận lũ quét lịch sử gây ra. Ngay sau khi cơn lũ đi qua, Ban giám đốc, Ban chấp hành công đoàn cơ sở Agribank chi nhánh tỉnh Sơn La đã kêu gọi toàn thể Đoàn viên và lao động toàn chi nhánh, trích một phần thu nhập ủng hộ bà con vùng bão lũ khắc phục hậu quả ổn định cuộc sống. Chi đoàn thanh niên Agribank chi nhánh tỉnh Sơn La trực tiếp đến tận nơi trao quà cứu trợ. Thay mặt cán bộ nhân viên và người lao động Agribank chi nhánh tỉnh Sơn La, đồng chí Trịnh Thị Thanh Nhàn - Phó giám đốc - phụ trách công tác đoàn thanh niên đã trao số tiền 120 triệu đồng cho Uỷ ban Mặt trận tổ quốc huyện Mường La. Bên cạnh đó, Chi đoàn thanh niên Agribank chi nhánh tỉnh Sơn La phối hợp với chi đoàn thanh niên Agribank chi nhánh huyện Mường La tổ chức nấu cơm tiếp tế cho những người bị trôi nhà, mất toàn bộ tài sản, đồng thời trao 15 suất quà trị giá mỗi suất 1.000.000 đồng cho những hộ đặc biệt khó khăn. Sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất của Agribank Sơn La là rất kịp thời và hết sức cần thiết thể hiện trách nhiệm của DN đối với cộng đồng, phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chung tay xoa dịu nỗi đau mất mát của bà con nhân dân gặp khó khăn. LT |