“Gieo” vốn ở vùng cao Sìn Hồ
Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu. Địa hình tương đối phức tạp, với độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh bởi núi cao, vực sâu, diện tích tự nhiên 152.696,03ha. Toàn huyện có 21 xã, 1 thị trấn, 233 bản và khu phố, trong đó có 5 xã, thị trấn thuộc khu vực II; 17 xã thuộc khu vực III; 178 bản đặc biệt khó khăn. Huyện có tổng số 16.044 hộ, 80.835 khẩu, thì số hộ nghèo khoảng 6.574 hộ, chiếm tỷ lệ 40,97%, hộ cận nghèo 1.761 hộ, chiếm tỷ lệ 10,98%.
Các cán bộ NHCSXH huyện Sìn Hồ vượt khó để chuyển tải nguồn vốn đến người dân |
Ngoài địa hình đi lại khó khăn thì thời tiết ở huyện vùng cao này cũng diễn biến phức tạp, thường có mưa lớn kéo dài gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét trên diện rộng gây thiệt hại lớn về con người, tài sản, vật nuôi, cây trồng của người dân.
Nhìn vào những con số trên thì chưa cần đến đây cũng đã mường tượng ra khó khăn của những cán bộ đang làm việc trên mảnh đất này nói chung, trong đó có những cán bộ ngân hàng – những người đang “gieo” từng đồng vốn để “gặt” ấm no trên khắp các bản, làng.
Và có lẽ hình ảnh của các cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) luôn bám sát cơ sở, gắn với từng xã, từng thôn bản với mong muốn nguồn vốn đến với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhanh nhất.
Ông Đỗ Văn Chung – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sìn Hồ cho biết, mặc dù từ lâu Phòng giao dịch đã thực hiện giao dịch tại 22 điểm xã, thị trấn, nhằm giảm thiểu chi phí đi lại cho bà con dân tộc trên địa bàn huyện trong việc vay vốn và trả nợ, trả lãi. Tuy nhiên, đó chỉ là công việc “bề nổi” còn với các cán bộ tín dụng còn phải lặng lẽ “cắm” bản để cùng chính quyền xã, các tổ chức đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng vốn vay.
“Cán bộ ngân hàng vùng cao phải bám sát cơ sở thì đồng vốn ngân hàng mới hiệu quả”, ông Chung chia sẻ và cho rằng, nhờ có vốn vay ưu đãi nên nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số mới thay đổi nếp nghĩ, mạnh dạn làm ăn. Đơn cử như hộ anh Lý A Phùa, dân tộc H.Mông, bản Ka Sin Chải, xã Tả Ngảo.
Cũng như nhiều gia đình khác trong bản Ka Sin Chải, đời sống gia đình anh Lý A Phùa thuộc diện khó khăn, sản xuất không đủ ăn, bữa no, bữa đói trong thời gian giáp hạt, nhà cửa thì cũng tạm bợ.
Chỉ đến khi Lý A Phùa, đại diện cho gia đình làm thủ tục xin vay vốn NHCSXH huyện Sìn Hồ với mong muốn mua một đàn dê về chăn nuôi sinh sản để thoát nghèo thì cuộc sống có những đổi thay.
“Cuối năm 2013 gia đình tôi được NHCSXH huyện Sìn Hồ cho vay số tiền 8 triệu đồng, mua được 3 con dê và một số gia cầm như gà, vịt” – Lý A Phùa nhớ lại và chia sẻ rằng, sau một thời gian thấy nguồn vốn đã đem lại hiệu quả cho gia đình, đời sống sinh hoạt hàng ngày được nâng lên, đến tháng 6/2014 gia đình mạnh dạn xin vay thêm 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để mua 1 con trâu sinh sản. Nhờ vào nguồn vốn vay của NHCSXH mà hiện nay, gia đình Lý A Phùa đã có 2 con trâu, 8 con dê và trên 50 con gia cầm như gà, vịt.
Giờ thì cuộc sống đã có nhiều thay đổi với không chỉ gia đình anh Phùa mà phần đông bà con trong bản đã có cuộc sống khấm khá hơn, người đói không còn, người nghèo cũng giảm dần, cuộc sống đầy đủ, vui vẻ và hạnh phúc hơn, thậm chí có cả hộ đang vươn lên làm giàu.
“Có được cuộc sống như vậy theo tôi là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là NHCSXH trong quá trình chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các gia đình trong bản để phát triển kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng” – Lý A Phùa bộc bạch và nói giọng nghẹn ngào: “Tôi luôn biết ơn Đảng, Nhà nước, NHCSXH huyện Sìn Hồ, cấp ủy Đảng, chính quyền xã tạo điều kiện thuận lợi để gia đình tiếp cận vốn vay ưu đãi của Chính phủ phát triển kinh tế”.
Nhìn trên toàn huyện, đến nay tổng dư nợ của NHCSXH Sìn Hồ đạt 322 tỷ đồng nhưng tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,59% - một con số đáng tự hào với một huyện miền núi cao. Kết quả thời gian qua là rất nỗ lực, tuy vậy, ông Đỗ Văn Chung cho rằng, thời gian tới Phòng giao dịch sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức Hội nhận uỷ thác tăng cường công tác kiểm tra sử dụng vốn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm chế độ tín dụng, đôn đốc khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, lãi kịp thời.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đến các tổ chức và nhân dân trên địa bàn, từ đó tranh thủ sự ủng hộ tạo điều kiện của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, hợp tác của các tổ chức và sự đồng tình của nhân dân để đưa hoạt động tín dụng ưu đãi thực sự góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị của địa phương và đặc biệt thực hiện mục tiêu Quốc gia xóa đói giảm nghèo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.