Giữ vững chân kiềng tam nông
Agribank chung tay vượt bão cùng với khách hàng | |
Đảng ủy Agribank và hành trình về nguồn năm 2017 | |
Đảm bảo minh bạch trong triển khai chính sách |
Cho vay NNNT tăng trưởng cao
Nhìn lại 3/4 chặng đường của năm 2017 đã qua, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt kết quả rất khả quan. Đặc biệt trong quý III, GDP có sự đột phá tăng 7,46%, có thể đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Để có được những kết quả tích cực trên, theo nhận định của các chuyên gia, là có sự đóng góp rất lớn từ hệ thống NH. 9 tháng đầu năm 2017, tín dụng tăng khoảng 12,1% so với cuối năm 2016. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Đặc biệt, tín dụng tăng tích cực ngay từ những tháng đầu năm đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Là NHTM Nhà nước đóng vai trò chủ lực cấp vốn cho khu vực tam nông, áp lực đặt ra đối với Agribank rất lớn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường NH ngày càng gay gắt. Việc huy động được vốn để đủ cung ứng cho khách hàng đã khó, giữ chân khách hàng càng khó khăn hơn.
Agribank tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng và cung cấp các dịch vụ tài chính cho khu vực NNNT |
Chủ tịch HĐTV Trịnh Ngọc Khánh cho biết, ngay từ đầu năm, Agribank đã xây dựng, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp chủ yếu theo các nghị quyết của HĐTV nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Để đảm bảo an toàn trong hoạt động, NH chủ trương điều chỉnh dần tốc độ tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng; song song với đó là tích cực quyết liệt xử lý nợ xấu tạo nguồn vốn mới tiếp tục quay vòng đầu tư… Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, Agribank đã nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.
Trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, Agribank đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay; triển khai 4 gói tín dụng ưu đãi lãi suất, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - 1,5%/năm để hỗ trợ các khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong giai đoạn vừa qua, cho vay nông nghiệp nông thôn (NNNT) gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, nhất là trong ngành chăn nuôi giá thịt lợn bị sụt giảm mạnh… tác động tiêu cực đến khách hàng. Nhưng với vai trò là “anh cả” trong hệ thống, lại gắn bó với bà con nông dân gần 30 năm, NH thấu hiểu nỗi lòng của nhà nông, nên bất kỳ trong thời điểm nào khi người nông dân gặp khó đều có Agribank sát cánh.
Chị Nguyễn Thị Cương, chủ trang trại lợn, gà lớn nhất huyện, ở xóm Việt Ninh xã Lương Phú, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) tâm sự, thời gian qua khi giá thịt gà và nhất là thịt lợn rớt mạnh, vợ chồng chị như ngồi trên đống lửa, căng thẳng, mệt mỏi khi vốn liếng của cả gia đình cũng như tiền vay NH đã dồn hết vào trang trại. Nhưng rất may, gia đình vẫn tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ của Agribank huyện Phú Bình. Không những không gây áp lực trả nợ, mà NH còn luôn quan tâm, động viên, sát cánh cùng chị để bàn cách giải quyết khó khăn như thực hiện gia hạn nợ gốc và cho phép khách hàng trả lãi theo gốc, thay vì trả lãi theo tháng như trước kia. “Chi nhánh còn làm đề xuất với cấp trên để tôi được vay thêm 1 tỷ đồng. Nếu không có sự đồng hành này của Agribank, vợ chồng tôi không biết phải xoay xở ra sao”, chị Cương xúc động nói.
Nhờ sự gắn bó, đồng cam cộng khổ cùng với khách hàng, nên dù có sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các NH nhưng Agribank vẫn giữ vững thị phần, thậm chí còn vượt cả chỉ tiêu đề ra: Tổng dư nợ đạt 813.000 tỷ đồng, trong đó cho vay NNNT tăng trưởng mạnh, chiếm tỷ trọng 73,9% tổng dư nợ, cao hơn chỉ tiêu đề ra chứng minh vị thế số 1 của Agribank tại khu vực tam nông. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ của Agribank cũng có những chuyển biến tích cực, đến nay đã đạt 71% kế hoạch năm. Có 8/9 nhóm dịch vụ tăng trưởng, trong đó nhóm E-Banking và dịch vụ thẻ tăng trưởng cao.
Để có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế nói chung, khu vực tam nông nói riêng, Agribank đã triển khai đồng bộ các giải pháp như giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động; chính sách chăm sóc khách hàng tốt; đẩy mạnh triển khai các chương trình khuyến mại đối với khách hàng gửi tiết kiệm, khách hàng mở tài khoản tiền gửi... Đến 30/9/2017, nguồn vốn huy động của Agribank đạt trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi dân cư chiếm 82%.
Áp lực còn nhiều ở phía trước
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn có những tồn tại cần phải khắc phục sớm: Tăng trưởng tín dụng chưa đạt như kỳ vọng, trong đó cho vay doanh nghiệp vẫn thấp so với mục tiêu đề ra là 35%; Thu hồi nợ sau xử lý còn thấp do nhiều nguyên nhân, mà một trong số đó là việc thi hành án xử lý TSBĐ thu hồi nợ một số khoản vay kéo dài, nhiều thủ tục phức tạp, thi hành chậm, dẫn đến hiện tượng khách hàng cố tình tạo ra tranh chấp TSBĐ, lợi dụng để trì hoãn thi hành án, chây ì trả nợ. Đây cũng là những nhiệm vụ đặt ra đối với hệ thống Agribank, cần phải tập trung xử lý trong những tháng cuối năm.
Lãnh đạo Agribank cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng tới là công tác huy động vốn và hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Agribank sẽ đẩy mạnh hình thức cho vay qua tổ nhóm, kết hợp với UBND, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, cho vay qua tổ lưu động. Đặc biệt, thực hiện quyết liệt kế hoạch xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2022 theo chỉ đạo của NHNN về thí điểm triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14; Đẩy mạnh phát triển sản phẩm dịch vụ, triển khai, vận hành hệ thống Contact Center, giải quyết, xử lý kịp thời các khiếu nại, thắc mắc, góp ý của khách hàng, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tuân thủ quy trình nghiệp vụ, đổi mới tác phong giao dịch, giải quyết khiếu nại của khách hàng tại chi nhánh; triển khai việc chuẩn bị chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Agribank…
Chủ tịch HĐTV Trịnh Ngọc Khánh yêu cầu toàn thể cán bộ, viên chức tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, gắn mục tiêu nhiệm vụ cụ thể đối với từng vị trí công tác; Các mô hình, cách làm hay của các đơn vị trong hệ thống công tác quản trị điều hành, nâng cao năng suất lao động, chất lượng phục vụ khách hàng cần được nhân rộng; Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị điều hành… phải tiếp tục đổi mới hơn nữa.
“Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Agribank tiếp tục đặt khách hàng là trung tâm, tối đa hóa các nguồn lực, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ giao tiếp, phong cách giao dịch để hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng tốt nhất… đưa Agribank tiếp tục vượt qua những thách thức, khó khăn, phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng và cung cấp các dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đóng vai trò tích cực trong quá trình thực hiện chính sách phát triển tam nông của Đảng và Nhà nước”, ông Khánh nhấn mạnh.