Giúp người nghèo “góp gió thành bão”
Ông Nguyễn Đức Đồng |
Ông có thể chia sẻ về sự khác biệt của chương trình huy động tiết kiệm mà chi nhánh đang triển khai tại các điểm giao dịch lưu động?
Hiện nay hệ thống NHCSXH đang nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân tại các chi nhánh, phòng giao dịch và triển khai chương trình nhận tiền gửi của người nghèo là thành viên các Tổ TK&VV thông qua Tổ trưởng. Với chương trình nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân tại hội sở thì giống như việc khách hàng đến gửi tiền tại các NHTM.
Còn với chương trình nhận tiền gửi của người nghèo nói trên, thì các Tổ trưởng nhận tiền gửi từ các thành viên trong tổ, sau đó hàng tháng nộp cho cán bộ NHCSXH tại điểm giao dịch xã vào ngày giao dịch theo quy định. Với huy động tiết kiệm tại xã thì người dân có thể đến điểm giao dịch UBND xã mà NHCSXH quy định một ngày trong tháng để gửi tiền tiết kiệm.
Ưu điểm của sản phẩm tiết kiệm này là gì, thưa ông?
Với dịch vụ gửi tiền huy động tiết kiệm tại xã, số tiền khách hàng gửi tối thiểu là 500 nghìn đồng. Mức gửi thấp nhất này theo tính toán của chúng tôi là phù hợp với người nghèo, người có thu nhập thấp.
Ở các NHTM thì mức huy động thấp nhất cũng phải vài ba triệu đồng. Và trên thực tế, đa số người dân thường gửi từ 5 - 10 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, với chúng tôi, để tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp, người hưu trí, người nghèo thì mức tối thiểu 500 nghìn đồng là phù hợp.
Về cách thức phục vụ nhận tiền gửi tại xã thì tôi cho rằng, với mức tiền gửi thấp như thế, nếu để người dân phải mang tới tận phòng giao dịch huyện để gửi thì không dễ gì thực hiện được. Thế là chúng tôi đã về tận xã, có điểm giao dịch lưu động để nhận tiền gửi của người dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng.
NHCSXH đang đưa ra nhiều dịch vụ về gần dân |
Lãi suất huy động tiền gửi của sản phẩm này thế nào? Có được người dân ủng hộ rộng rãi không, thưa ông?
Lãi suất huy động tiền gửi hiện nay của chúng tôi tương đương NHTM. Không những thế, khoản gửi được tính lãi suất theo ngày, tức là nếu gửi ngày hôm nay thì tính từ ngày đó cho đến tháng sau. Nhưng nếu tháng sau khách hàng gửi tiếp thì lãi suất được tính thêm số dư thực tế. Hiện nay, Trung tâm công nghệ thông tin của NHCSXH đang phối hợp với nhà thầu để có phương thức tính số dư và lãi suất tiền gửi tiết kiệm (giống tiết kiệm online - PV), nhằm mang tới dịch vụ tối ưu hơn.
Chương trình gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã có nhiều tính ưu việt như tôi đã nói. Sản phẩm huy động tiết kiệm này được bắt đầu triển khai từ đầu tháng 10/2016 và hiện đã có 9/9 huyện, thị triển khai ở tất cả các xã, phường.
Trước và trong khi thực hiện chương trình, chúng tôi cũng đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, để người dân biết về dịch vụ này. Chính vì vậy, kết quả đến nay là rất khả quan khi sau một tháng triển khai, tổng số dư huy động tiết kiệm tại điểm giao dịch xã đã đạt gần 1 tỷ đồng.
Nguồn vốn huy động từ chương trình huy động tiết kiệm tại xã sẽ được sử dụng thế nào, thưa ông?
Chủ trương của NHCSXH Trung ương là việc huy động tiết kiệm tại xã nào, huyện nào làm tốt, thì sẽ tạo điều kiện cho người dân ở đó được tăng tiếp cận vốn vay từ NHCSXH để đầu tư phát triển sản xuất. Do đó, số tiền huy động được từ chương trình này được chi nhánh bổ sung vào nguồn vốn để cho vay, vì hiện nay nguồn vốn Trung ương đang rất khó khăn. Huy động nguồn lực trong dân là rất quan trọng và bản thân chi nhánh phải nỗ lực.
Quan trọng hơn, qua sản phẩm huy động tiết kiệm này, chúng tôi cũng muốn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhiều hơn tới các dịch vụ của NHCSXH. Đó không chỉ là các sản phẩm cho vay ưu đãi mà còn có sản phẩm huy động tiết kiệm phục vụ người dân tại xã, qua đó cũng vun đắp thêm ý thức tiết kiệm, nâng cao quản trị tài chính của người dân.
Người dân có tiền tích góp được hàng tháng không quá lớn mà để trong nhà thì không sinh lời, mang gửi chúng tôi thì sẽ tạo một khoản thu nhập trong tương lai. Với các dịch vụ đang triển khai, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đánh giá cao việc NHCSXH đưa dịch vụ về gần dân. Điều này cũng khích lệ chúng tôi tiếp tục đưa ra các sản phẩm dịch vụ phục vụ người dân tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Theo NHCSXH Quảng Trị, đến hết tháng 10/2016, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.157,7 tỷ đồng, tăng 225,4 tỷ đồng, tương đương 11,7% so với thực hiện cuối năm 2015. Đã có với hơn 70.000 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Hiện nay, NHCSXH Quảng Trị đang thực hiện phương thức ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Cựu Chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Các tổ chức này đã phối hợp chặt chẽ với hệ thống NHCSXH, tổ chức thực hiện tốt các nội dung công việc được NHCSXH ủy thác trong quá trình chuyển tải và quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng. Trong toàn tỉnh hiện có 2.121 Tổ TK&VV phủ kín các thôn, bản trong toàn tỉnh đang hoạt động ổn định, nền nếp. Việc bình xét cho vay, giám sát việc sử dụng vốn vay được thực hiện dân chủ, công khai từ cơ sở, có sự tham gia giám sát của người dân, của Tổ TK&VV, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở và trưởng thôn… đảm bảo cho nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng; người vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả đồng vốn. |