Góp phần bình ổn thị trường cuối năm
Ổn định giá cả nguồn hàng Tết | |
Bộ Tài chính đề nghị địa phương bình ổn giá dịp Tết Đinh Dậu 2017 | |
Ngân hàng bình ổn thị trường cuối năm |
Được khởi nguồn từ TP. Hồ Chí Minh, sự tham gia tích cực của hệ thống NHTM đã giúp các DN vượt qua khó khăn, đồng thời tham gia hỗ trợ thị trường, bình ổn giá, góp phần vào kiểm soát lạm phát. Với thành công ngoài mong đợi, NHNN Việt Nam đã có công văn chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tích cực triển khai chương trình kết nối giữa NH - DN, chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn.
Ảnh minh họa |
Đến nay có thể nói các TCTD đã chủ động, tích cực thực hiện lồng ghép, gắn chương trình bình ổn thị trường với chương trình kết nối NH - DN và có cơ chế ưu đãi như cho vay mới, nâng hạn mức tín dụng, giảm lãi vay so với các khoản vay ngắn hạn thông thường, miễn giảm phí trả nợ trước hạn; tiếp tục tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn...
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết quý III/2016, các TCTD đã thực hiện ký kết cho vay khách hàng tham gia chương trình bình ổn đạt 17.808 tỷ đồng, dư nợ tín dụng cho chương trình là 4.176 tỷ đồng. Các TCTD áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn VND dao động từ 4% - 9%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 5,5%-10%/năm. Trong đó, một số tỉnh, thành phố có dư nợ tín dụng lớn theo chương trình như: Hà Nội 1.495 tỷ đồng; Khánh Hòa 789 tỷ đồng; Gia Lai 894 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh 480 tỷ đồng.
Không chỉ ở các thành phố lớn, chương trình bình ổn thị trường đã lan tỏa ra các tỉnh, địa phương khác trên cả nước. Đơn cử như tại đất mũi Cà Mau, đến hết quý III số tiền cam kết cho vay của các NH trên địa bàn là hơn 130 tỷ đồng, dư nợ đến nay đạt hơn 70 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các sở, ngành các tỉnh, thành phố, tình hình giá cả thị trường hàng hóa ở địa phương ổn định, chưa có biến động bất thường. Qua chương trình cho vay bình ổn, các DN có nguồn lực, có vốn, trong đó có DN đầu mối kinh doanh các mặt hàng thiết yếu với hệ thống kinh doanh đến các trung tâm huyện, có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình. Ngoài ra, khi chương trình bình ổn hiệu quả còn kéo các DN khác tham gia.
Đại diện NHNN Cà Mau cho biết, tại địa bàn, hệ thống siêu thị, doanh nghiệp như Siêu thị Co.opmart, siêu thị Nguyễn Kim, siêu thị Chợ Lớn cũng đã kịp thời cung ứng những hàng hóa thiết yếu, cần thiết theo nhu cầu của thị trường, ổn định giá bán, không để xảy ra khan hiếm hàng hóa, mất cân bằng cung cầu, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2017 với tăng trưởng kinh tế (GDP) ở mức 6,7% và kiểm soát lạm phát 4% thì hoạt động cho vay sản xuất, kinh doanh và bình ổn giá càng đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy, NHNN các tỉnh, thành phố cho biết, trong thời gian tới, NHNN chi nhánh tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương tỉnh theo dõi, giám sát, kiểm tra các TCTD tham gia thực hiện việc cho vay theo quy định pháp luật, theo nội dung ký kết khi tham gia chương trình bình ổn.
Đặc biệt, chương trình này không chỉ hướng tới các DN mà còn cả các hợp tác xã sản xuất các mặt hàng thiết yếu, hướng đến trẻ em và các loại hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Như vậy, có thể nói, với sự nhận thức cũng như vào cuộc mạnh mẽ từ các sở ngành và hệ thống NH, chắc chắn trong thời gian tới cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng thiết yếu, cho vay bình ổn thị trường sẽ tăng, hỗ trợ người tiêu dùng, kiểm soát tăng giá, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.