Ổn định giá cả nguồn hàng Tết
Habeco chuẩn bị tới 147 triệu lít bia cho thị trường Tết | |
Bộ Tài chính đề nghị địa phương bình ổn giá dịp Tết Đinh Dậu 2017 |
Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết
Những ngày này, CTCP Bánh mứt kẹo Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị sản xuất khoảng 350-400 tấn bánh, mứt để dự trữ hàng bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Việc ký hợp đồng với các nhà cung cấp nguyên liệu, thu mua củ quả từ các vùng chuyên canh, thu mua trứng và bột… được đẩy nhanh từ trước đó.
Đến thời điểm này, là lãnh đạo một DN có truyền thống cung ứng hàng hóa Tết cho người dân Thủ đô gần 60 năm nay, ông Vương Trọng Tuấn, Phó tổng giám đốc CTCP Bánh mứt kẹo Hà Nội đã có thể “thờ phào” vì công tác chuẩn bị nguyên vật liệu theo tiến độ và kế hoạch sản xuất hàng Tết đã cơ bản hoàn thành.
Các siêu thị đang rục rịch chuẩn bị hàng đón mùa kinh doanh cuối năm |
Các đơn vị cung cấp sản phẩm đầu vào cho các DN sản xuất của các công ty như Bánh mứt kẹo Hà Nội đương nhiên phải đẩy nhanh tiến độ đáp ứng hợp đồng của đối tác. Công ty TNHH Ba Huân đang cố gắng đưa thêm nhà máy vào hoạt động để phục vụ cho nhu cầu trứng sạch trong dịp Tết Nguyên đán. Còn về nguồn cung các mặt hàng nông sản nói chung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là dồi dào.
Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, với nguồn cung gạo trong nước hiện nay hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước ở những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2017. Đối với mặt hàng thịt, hiện nguồn cung sản phẩm thịt dồi dào, nhất là thịt lợn đang rất lớn do việc đầu tư, tăng đàn mạnh mẽ của người chăn nuôi thời điểm quý II, III…
Trên các kệ trong siêu thị, thời điểm này lượng hàng và chủng loại vẫn chưa có nhiều biến động. Tuy nhiên đằng sau vẻ “tĩnh lặng” đó là nhiều hoạt động đang diễn ra một cách gấp rút. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu tăng cao trong dịp cuối năm 2016 và Tết Đinh Dậu 2017, các DN kinh doanh bán lẻ đều đã lên kế hoạch chuẩn bị từ trước đó nhiều tháng.
Các mặt hàng như thịt bò, lợn, gia cầm; hay trứng, thủy hải sản, thực phẩm chế biến; các loại bánh, mứt, kẹo… đã được Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chuẩn bị và dự trữ khá dư dả, tổng giá trị lên tới 1.200 tỷ đồng. CTCP Siêu thị VinMart cũng đã lên kế hoạch và dự trữ hàng hóa với số tiền khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Bảnh cho rằng, do nguồn cung sản phẩm dồi dào đảm bảo cung ứng nên thị trường tiêu thụ cuối năm sẽ không lo khan hàng, sốt giá. Về giá rau củ, nếu không có biến động lớn về thời tiết khí hậu thì lượng sản phẩm được sản xuất ra vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt trong dịp cuối năm 2016.
Sẵn sàng giải pháp bình ổn
Chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào và thiết lập kênh phân phối hiệu quả, các DN cũng có các giải pháp để ổn định giá cả đầu ra. Đại diện Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội cho hay, năm 2017 DN sẽ đưa ra khoảng 146 triệu lít, trong đó có 128 triệu lít bia Hà Nội, 4 triệu lít rượu. Hiện công ty có hệ thống phân phối dày đặc, đảm bảo cung hàng cho bà con dịp Tết sắp tới với giá cả ổn định.
Cũng để ổn định nguồn cung, “chống sốc” giá cả, Công ty TNHH Ba Huân có cách làm riêng. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó giám đốc công ty cho biết, DN đã liên kết với một số bà con nông dân xây dựng vùng chăn nuôi, cũng như liên kết với một số công ty để tạo thành chuỗi khép kín. Công ty cũng cam kết sẽ bình ổn mặt hàng trứng gia cầm trong dịp Tết này.
Đánh giá cao sự chủ động của các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng yêu cầu các DN cũng cần lưu ý bên cạnh đáp ứng đủ nguồn hàng thì những hàng hóa đó phải đảm bảo chất lượng, an toàn cho người dân sử dụng. Đồng thời, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng đề nghị thông tin rộng rãi đến người dân về các điểm bán hàng tốt, DN tốt để người tiêu dùng biết.
Ông Vương Trọng Tuấn cũng bổ sung kiến nghị cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho DN trong công tác lưu thông hàng hóa. Về vấn đề này, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các ngành, các cấp cần chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các cam kết hỗ trợ DN về cấp phép vận chuyển, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa...
Riêng với nhóm hàng nông sản, với nhiều sản phẩm thường tăng giá mạnh dịp Tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp cũng đề ra một số giải pháp ổn định thị trường. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tốt sản xuất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y; yêu cầu Cục Chăn nuôi chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khôi phục đàn vật nuôi ở các địa phương bị thiên tai…
Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối cần phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất cung cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết để có biện pháp can thiệt kịp thời không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Đồng thời, có kế hoạch theo dõi sát giá đường phục vụ sản xuất chế biến bánh kẹo trong dịp Tết sắp tới trong bối cảnh mùa vụ đường năm nay chậm hơn. Tích cực chỉ đạo các nhà máy sản xuất đường tạo điều kiện cho các DN tham gia chương trình bình ổn được trực tiếp tiếp cận nguồn hàng tại các nhà máy, tránh mua qua trung gian, đẩy giá đường lên cao… Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị.