Hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6/2017, Chính phủ thống nhất đánh giá, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,73%, trong đó quý II (6,17%) đạt mức cao hơn nhiều so với quý I (5,15%). Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, giá cả ổn định; tăng trưởng tín dụng cao hon so với cùng kỳ các năm gần đây; dự trữ ngoại hối tăng; thị trường chứng khoán tăng trưởng cao nhất trong 9 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đà phục hồi…
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm; sản xuất công nghiệp tăng chậm, trong đó ngành khai khoáng giảm mạnh; cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra...
Khẳng định, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn nặng nề, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động, linh hoạt hơn nữa trong điều hành, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2017, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng đã đề ra của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và trách nhiệm của người đứng đầu; tạo chuyển biên tích cực trong 6 tháng cuối năm 2017.
Với NHNN Việt Nam, Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn và kế hoạch cụ thể triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; hoàn thiện, trình phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của ngành và hướng dẫn các TCTD xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và thao túng trong hoạt động của các TCTD; kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu NHNN có giải pháp giảm lãi suất cho vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 7/7/2017, NHNN Việt Nam đã có quyết định giảm các mức lãi suất điều hành như: Giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống 7,25%/năm.
Đồng thời NHNN cũng quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm.
Đánh giá cao động thái này của NHNN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm lãi suất chính sách sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là nắn dòng tiền ngân hàng vào các lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên phát triển, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao.
“Trước sự quyết liệt thực hiện mọi biện pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng, là thành viên của Chính phủ chắc chắn NHNN không thể đứng ngoài. Nhưng NHNN đã rất khéo chọn thời điểm này khi đang có nhiều yếu tố thuận lợi để cho nhà điều hành thực hiện điều chỉnh hạ lãi suất. Xét yếu tố nội tại, lạm phát giảm, thanh khoản ngân hàng dồi dào”, TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá.
Không chỉ khéo chọn thời điểm, theo TS. Thành, cách chọn công cụ chính sách cũng cho thấy việc sử dụng công cụ tiền tệ của NHNN ngày càng nhuyễn, thể hiện sự linh hoạt nhưng rất thận trọng. Sự thận trọng thể hiện rõ khi NHNN không dùng biện pháp hành chính mà dùng công cụ thị trường với mức giảm nhẹ, đồng thời giữ nguyên trần huy động lãi suất và kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% (có thể điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế).
Ngay sau quyết định điều hành của NHNN, các ngân hàng, dẫn đầu là các NHTM có vốn Nhà nước, đã nhanh chóng vào cuộc thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn tối đa là 6,5%/năm.