Hàng ngoại thuế 0% ở Việt Nam
Thép lo mất thị trường vì thuế mới | |
Áp lực nào từ giảm thuế nhập khẩu? |
Đến nay, Chính phủ đã ban hành 10 Nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam, nhằm thực hiện các Hiệp định thương mại có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Các Nghị định này có những điểm mới, nổi bật là thời hạn biểu thuế mới được kéo dài từ 4 - 5 năm, được áp dụng từ năm 2018 đến năm 2022 và 2023 (so với quy định cũ chỉ có 2 năm).
Từ ngày 1/1/2018, Việt Nam xóa bỏ thuế suất nhập khẩu đối với 669 dòng thuế |
Theo đó, nhiều dòng thuế giảm về 0%, tập trung vào các mặt hàng nhập khẩu như ô tô, đồng hồ, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử, thực phẩm… Hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên của Hiệp định được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu đến Việt Nam. Đây được xem là cơ hội để người tiêu dùng trong nước tận hưởng hàng hóa chất lượng cao với giá rẻ.
Trong lĩnh vực tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân có những điểm đáng chú ý như theo nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam Liên minh kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA), tính đến năm 2018 đã có 5.535 dòng thuế cắt giảm về 0% và từ năm 2018 có 3.720 dòng thuế đang tiếp tục về 0% gồm sữa và sản phẩm từ sữa, ô tô và phụ tùng linh kiện ô tô.
Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN Trung Quốc (AC FTA) từ năm 2018 một số dòng thuế giảm từ mức 5%, 10% còn 0% từ năm 2018 các mặt hàng thịt gà, cà phê, chè nguyên liệu, thực phẩm chế biến, vải may mặc và quần áo, máy móc thiết bị.
Với Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam Hàn Quốc (VKFTA), từ năm 2018 có 704 dòng có thuế suất cắt giảm 0% tập trung ở các mặt hàng thủy sản, bột mì, bánh kẹo… Hay Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam Nhật Bản (VJEPA) sẽ có 456 dòng thuế có thuế suất 0% với nhóm hàng chất béo, đường…
Ông Trần Bá Cường, Trưởng Phòng ASEAN, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, người dân trong nước đang quan tâm nhiều đến việc ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước ASEAN giảm thuế bằng 0% từ 2018. Tuy nhiên, không chỉ thế mà từ ngày 1/1/2018, Việt Nam xóa bỏ thuế suất nhập khẩu đối với 669 dòng thuế. Những mặt hàng này gồm ô tô, tủ lạnh, máy điều hòa, thực phẩm, hoa quả nhiệt đớ́i, sữa và các sản phẩm từ sữa…
Đến thời điểm này, tỷ lệ tự do hóa của Việt Nam trong khu vực ASEAN đã đạt 98,2%, là mức cao nhất so với các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh mức thuế giảm, người dân trong nước còn được hưởng lợi vì sự đa dạng của hàng nhập khẩu, với giá bán rẻ hơn trước. Cụ thể, nhóm hàng trái cây Thái Lan nhập khẩu vào thị trường Việt Nam gần như đầy đủ các loại, từ cao cấp, đặc sản đến thông dụng, giá cả cũng giảm rẻ hơn hàng cùng loại nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Theo Bộ Công thương, hàng hóa tiêu dùng từ một số nước ASEAN đã gần như chiếm lĩnh được thị trường Việt Nam. Như hàng điện máy Thái Lan đang chiếm đến 70%, trái cây chiếm đến 41% tại thị trường Việt Nam. Trong khu vực châu Á, Hàn Quốc đang vượt lên trở thành nước xuất khẩu lớn thứ hai vào Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc), với kim ngạch lên gần 47 tỷ USD/2017.
Hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc luôn ở mức tăng cao, gồm máy tính tăng đến 76,7%, điện thoại và linh kiện tăng 72,6%, bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc tăng trên 66%, rau quả tăng 63%... Điều này được khẳng định khi doanh nghiệp Hàn Quốc đang trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam trong mọi lĩnh vực, bán lẻ, du lịch, kinh doanh bất động sản, nhà hàng ẩm thực.
Nhìn toàn cảnh, giá cả hàng tiêu dùng nhập khẩu đang còn khá cao (hơn hàng cùng loại trong nước từ 25% - 30%), nhưng đang góp phần đa dạng hóa thị trường nội địa, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.