Thép lo mất thị trường vì thuế mới
Ngành thép cần những toan tính phù hợp | |
Bộ Thương mại Hoa Kỳ: Việc lẩn tránh thuế xuất khẩu thép qua Việt Nam là có thật |
Ông Đỗ Duy Thái, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Việt cho biết, Mỹ là một trong những thị trường lớn, lâu năm và vô cùng quan trọng không chỉ đối với lĩnh vực thép xuất khẩu, mà còn với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản... Vì vậy, nếu đánh mất lợi thế cạnh tranh đối với thị trường Mỹ, DN sẽ phải đối mặt với áp lực sụt giảm lớn về kim ngạch, doanh số, lợi nhuận.
Mỹ là nơi có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất |
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết tháng 2/2018, cả nước xuất khẩu 919.771 tấn sắt thép các loại, với tổng trị giá kim ngạch đạt hơn 655 triệu USD. So với cùng kỳ 2017, tăng 39,7% về sản lượng và 59,2% về trị giá. Trong đó, Hoa Kỳ, Campuchia, Indonesia và Malaysia là 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất với sản lượng 2 tháng đầu năm đạt trên 100.000 tấn/thị trường.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, nếu phân tích kỹ về lợi nhuận, giá trị thu về, sản phẩm sắt thép xuất sang Hoa Kỳ bao giờ cũng cho giá trị cao hơn so với các thị trường khác.
Cụ thể, khi xuất sang Campuchia với 168.037 tấn sắt thép, đạt kim ngạch là 105,23 triệu USD. Đối với thị trường Indonesia khi xuất 134.317 tấn sẽ thu về 100,36 triệu USD. Trong khi xuất 124.573 tấn sắt thép sang thị trường Mỹ thu về giá trị đạt 104,23 triệu USD...
Như vậy, rõ ràng Mỹ là nơi có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất đạt 836,8 USD/tấn, trong khi Campuchia là 626 USD/tấn; Indonesia là 747 USD/tấn; Malaysia là 645,7 USD/tấn. Mức giá xuất khẩu bình quân này cũng cao hơn bình quân chung cả nước 124,4 USD/tấn (tương đương khoảng 2,8 triệu đồng).
Chính vì vậy, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký quyết định áp mức thuế nhập khẩu mới với các mặt hàng thép và nhôm, trong đó thép chịu mức thuế mới là 25% và 10% với nhôm, sẽ là đòn giáng mạnh, khiến các DN xuất khẩu thép của Việt Nam có nguy cơ tuột mất thị trường Mỹ.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, nếu Mỹ áp dụng biện pháp thuế suất mới, (dự kiến phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra vào khoảng giữa tháng 4/2018), thép Việt sẽ không thể cạnh tranh được với các quốc gia khác bởi mức thuế cao, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành xuất khẩu.
Một số chuyên gia phân tích, hàng năm lượng nhập khẩu thép và nhôm từ Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng không đáng kể trong tổng nhập khẩu thép và nhôm của Hoa Kỳ. Chính vì vậy việc Mỹ áp mức thuế suất mới để hạn chế nhập khẩu là không cần thiết và việc làm này có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ thương mại giữa Mỹ và một số nước, trong đó có Việt Nam.
Khá nhiều DN tỏ ra lo lắng, quan ngại trước quyết định tăng thuế mới của Mỹ và chuẩn bị sẵn phương án mở rộng vào những thị trường tiềm năng khác để tránh bị động nếu mức thuế mới được thông qua và áp dụng trong thời gian tới. Trước vấn đề này, vừa qua VSA và nhiều DN thép đã có buổi làm việc với Cục Phòng vệ Thương mại và các cơ quan liên quan của Bộ Công thương để có biện pháp phối hợp hiệu quả.
Ngay sau khi kết thúc phiên họp, VSA đã có công văn số 06/2018/HHTVN gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công thương, cùng các bộ, ngành liên quan về việc hỗ trợ DN xuất khẩu thép, giảm thiểu thiệt hại do các biện pháp hạn chế nhập khẩu mà Hoa Kỳ dự định ban hành và áp dụng.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho biết, các DN Việt Nam đã đầu tư hàng trăm triệu USD với dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ, Nhật Bản… Từ đó, tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng đáng kể trong quá trình sản xuất, không phải chỉ gia công sơ bộ để xuất khẩu sang Mỹ, mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu chủ lực lâu dài.
Chính vì vậy, các DN thép Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với hành vi vi phạm cam kết quốc tế. Trong các cuộc điều tra chống phòng vệ thương mại trong tương lai, thông qua các thiết chế quốc tế để bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của các DN xuất khẩu Việt.