Hành trình dẫn vốn đến với người nghèo
Các diễn giả tham gia Tọa đàm gồm: đại diện lãnh đạo Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển Kinh tế - Trung ương Hội LHPN Việt Nam; đại diện lãnh đạo Qũy Hỗ trợ - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và đại diện lãnh đạo một số Ban Chuyên môn nghiệp vụ của NHCSXH đã trả lời các câu hỏi của độc giả.
Tính đến hết tháng 7/2017, 4 tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý trên 187.151 Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ nhận ủy thác của NHCSXH đạt trên 163.986 tỷ đồng.
Trong đó, Hội Phụ nữ quản lý 71.069 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ 64.682 tỷ đồng; Hội Nông dân quản lý 60.327 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ 52.850 tỷ đồng; Hội CCB quản lý 31.469 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ 25.733 tỷ đồng; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quản lý 24.286 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ là 20.721 tỷ đồng.
Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, tổ chức chính trị - xã hội đã động viên hội viên dành dụm chi tiêu, hăng hái thực hành tiết kiệm được 6.107 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay tại NHCSXH. Đồng thời, thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn với số tổ có chất lượng hoạt động khá, tốt chiếm trên 96%.
Một trong những nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm là công tác bình xét cho vay, bà Hồ Lan Hương - Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH cho biết, hiện nay, công tác bình xét cho vay được NHCSXH quy định rất chặt chẽ, công khai, dân chủ, có sự giám sát của chính quyền cấp cơ sở (cụ thể là trưởng thôn và đại diện tổ chức hội, đoàn thể cấp xã nhận ủy thác tham gia vào công tác bình xét hộ vốn).
Quy trình bình xét cụ thể như sau: Khi người dân có nhu cầu vay vốn và thuộc đúng đối tượng được vay vốn các chương trình của NHCSXH thì đề nghị với Ban Quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn tại nơi mình đang sinh sống để được gia nhập vào tổ. Ban Quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp tổ để bình xét cho vay. Cuộc họp phải được ít nhất 2/3 số tổ viên dự họp và có ít nhất 2/3 số tổ viên có mặt tại cuộc họp biểu quyết tán thành mới có giá trị thực hiện.
Cuộc họp bắt buộc phải có sự tham gia của trưởng thôn và đại diện tổ chức hội cấp xã. Kết quả cuộc họp bình xét cho vay phải được lập thành biên bản có xác nhận của trưởng thôn và đại diện tổ chức hội, đoàn thể cấp xã nhận ủy thác.
Trong trường hợp dưới cơ sở bình xét sai đối tượng (rất ít xảy ra), khi phát hiện sẽ xử lý bằng hình thức không giải ngân cho vay; trong trường hợp đã giải ngân thì thực hiện thu hồi vốn ngay.