Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục ổn định
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt | |
Thống đốc chỉ đạo giải pháp điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm |
Mũi tên đang đi đúng hướng
Báo cáo công bố đầu tháng 12 mới đây của Moody’s cho rằng, hệ thống NH Việt Nam sẽ ổn định trong năm tới. Đánh giá trên phản ánh kỳ vọng của tổ chức này về sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế vững vàng của Việt Nam. Trước hết, phải nhìn nhận rằng trong 11 tháng qua, việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN đã đạt được những kết quả khả quan.
Trước hết là tỷ giá. TS. Bùi Quang Tín - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nhận định: Xét theo tỷ giá Vietcombank niêm yết, tỷ giá USD/VND ở thời điểm 31/12/2015 là 22.550 đồng/USD (chiều bán ra). Còn tại thời điểm gần cuối tháng 11/2016 rơi vào khoảng 22.550 - 22.600 đồng/USD. Điều này cho thấy tỷ giá gần như không thay đổi, thể hiện chính sách điều hành tỷ giá khá ổn định.
Dù có sự biến động do tác động từ thị trường tài chính quốc tế, song cung cầu ngoại tệ trong nước không có yếu tố đột biến. Thanh khoản vẫn được duy trì tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng vẫn được các TCTD đáp ứng kịp thời, đầy đủ. Tới ngày 7/12, tỷ giá tăng cỡ khoảng 2% so với tỷ giá ở thời điểm cuối năm 2015 ( 22.550 đồng/USD).
Ảnh minh họa |
Phân tích thêm, chuyên gia này cho rằng: Hiện tại, nếu xét trong rổ 8 đồng tiền tính tỷ giá trung tâm, ngoại trừ USD, sự biến động của VND vẫn thấp nhất so với các đồng tiền khác, chỉ cao hơn tỷ giá Đô la Đài Loan (TWD). Đặc biệt là đồng Yên Nhật (JPY), khi từ đầu năm ngoại tệ này đã phá giá gần 14% so với USD.
Như vậy, có thể nói sự mất giá của VND vẫn nằm trong biên độ chấp nhận được so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ để tính tỷ giá trung tâm. “Đặt trường hợp giả sử như đến cuối năm 2016, tỷ giá USD/VND biến động lên 3% tôi vẫn đánh giá việc điều hành duy trì khá tích cực” - ông Tín chia sẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất vẫn cao, nhưng theo quan điểm của vị chuyên gia này thì không hoàn toàn như vậy. Ông Tín cho rằng mặt bằng lãi suất bình quân hiện là khá thấp, không chỉ thấp so với những năm trước mà còn thấp hơn mặt bằng huy động vốn chung của cả khu vực Đông Nam Á. Thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn.
Các NHTM Nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Mức này thấp hơn lãi suất cho vay tại Myanmar (khoảng 12,7%) hay Thái Lan (13%). Như vậy lãi suất mà các NHTM Việt Nam đang áp dụng không phải là quá cao so với mặt bằng chung của các nước Đông Nam Á. Thậm chí với các nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 4 - 5%/năm.
Thanh khoản của hệ thống các TCTD tiếp tục được đảm bảo, thị trường liên NH hoạt động thông suốt. Hút tiền qua tín phiếu khá hiệu quả, (dù 1 - 2 tuần vừa qua có ngưng lại do e ngại tác động từ lạm phát)... đều là những tín hiệu đáng mừng cho thấy sự điều hành của NHNN đang đi đúng hướng. “Thị trường vàng và thị trường USD là hai phân khúc thị trường trong hệ thống tài chính Việt Nam cũng có sự ổn định thời gian qua. Hiện tượng đô la hoá dù vẫn còn song đã được kiểm soát chặt chẽ hơn. So với thị trường USD, thị trường vàng có lẽ ghi nhận sự ổn định tốt hơn khi hiện tượng vàng hoá đã được đẩy lùi” – TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Tuy nhiên, hệ thống NH vẫn còn nhiều những vấn đề tồn đọng như lãi suất vẫn khó giảm thêm, nợ xấu... Chưa kể câu chuyện về nợ công, bội chi ngân sách... tuy không nằm trong phạm trù của CSTT nhưng có ảnh hưởng trực tiếp tới điều hành CSTT của NHNN.
Tạo tiền đề cho 2017
Mặc dù vẫn còn khó khăn, nhưng NHNN cũng có những cơ sở thuận lợi để tiếp tục điều hành CSTT hiệu quả trong năm 2017. Trong năm 2017, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Có thể nhận thấy, NHNN đang nỗ lực để kiểm soát tỷ giá không biến động quá 3%. TS. Tín nhận định: Nhiều khả năng, qua đầu năm 2017, NHNN sẽ có thể xem xét nới trần biên độ tỷ giá. Song song với đó theo dõi sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động thực hiện các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp ổn định thị trường.
Bên cạnh đó, mục tiêu lạm phát năm sau là 4% - thấp hơn 2016 là 1% - sẽ tạo điều kiện cho lãi suất có thể giảm xuống khoảng 1%. Dự báo, lãi suất năm sau khó mà cao hơn năm nay. Bởi ba lý do: Thứ nhất là mục tiêu lạm phát giảm 1%. Thứ hai, Chính phủ đang dần hoàn thiện về hành lang pháp lý trong giải quyết nợ xấu, khi nợ xấu giảm thì tất yếu chi phí của hệ thống NH giảm, không có lý do gì lãi suất cho vay không giảm theo.
Và thứ ba, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như sự cạnh tranh năm sau dự báo sẽ càng khốc liệt hơn. Không chỉ gói gọn ở các NH trong nước, mà còn là sự cạnh tranh của các NH nước ngoài vào Việt Nam, tạo điều kiện đưa ra lãi suất cho vay giảm xuống. Khi đó, cả DN và người tiêu dùng càng có lợi.
Chia sẻ thêm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng: sự tuân thủ của các NH năm nay cũng đã tốt hơn trước. Hệ thống NH cũng đã loại bỏ được một số NH yếu kém, nâng cao sức khoẻ của toàn hệ thống. Bên cạnh đó, những chính sách về ngoại hối ổn định năm 2016 cũng là nền tảng để NHNN tiếp tục điều hành chính sách ngoại hối tốt hơn trong năm 2017.
Vấn đề tăng trưởng tín dụng nóng cũng sẽ được kiểm soát khi NHNN ban hành Thông tư 06 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 36) phần nào sẽ “siết” tín dụng trong lĩnh vực bất động sản có lộ trình; hệ số rủi ro, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong các NH cũng được điều chỉnh từ đầu năm tới...