Hiện đại để nâng cao sức cạnh tranh
Xu hướng chọn mua sắm tại các kênh hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện dụng, trực tuyến…) đang khiến sức mua ở chợ đuối dần. Thống kê của ban quản lý các chợ trung tâm TP. Hồ Chí Minh như Bến Thành, An Đông, Tân Định, Bà Chiểu… lượng khách mua sắm tại chợ giảm hơn thời hoàng kim từ 30% - 40%. Cụ thể như chợ An Đông (Q.5), là chợ có sức mua bán và thu hút đông khách du lịch bậc nhất TP. Hồ Chí Minh, nhưng theo bà Lê Thị Mộng Thúy - Phó ban quản lý chợ, sức mua tại chợ hiện giảm khoảng 60% so với năm 2010 và giảm 40% so với 2011. Các ngành hàng ế ẩm nhất là túi xách, giày dép, mỹ phẩm và thực phẩm khô. Thực tế này đang diễn ra mạnh mẽ tại hầu hết các chợ trung tâm thành phố. Để kéo khách, ban quản lý và tiểu thương ở chợ cũng chuyển mình theo hướng kinh doanh hiện đại. Đến chợ hiện nay, đã thấy sự thay đổi rõ nét, quan niệm “tạp nham chợ búa” đã không còn. Các quầy nữ trang, trang sức, mỹ phẩm, quà lưu niệm, giày dép… ở trung tâm mỗi chợ đã thay đổi hẳn cách trưng bày hàng hóa, vừa bắt mắt, vừa đủ chủng loại, hợp thời trang.
Ảnh: MH
Một số chợ lớn, có số lượng khách du lịch vãng lai đến thường xuyên như Bến Thành, An Đông, Bình Tây… ban quản lý chợ còn vận động tiểu thương niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Bà Mai Lan – Phó ban quản lý chợ Bến Thành cho biết, ban quản lý thường xuyên đến các quầy sạp, nhắc nhở tiểu thương thực hiện niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá niêm yết để giữ chân khách. Đồng thời ban quản lý cũng mời các chuyên gia kinh tế phổ cập kiến thức kinh doanh, tổ chức tư vấn bán hàng, thiết kế gian hàng hoặc vận động tiểu thương tham gia các lớp tập huấn người bán hàng hiện đại, văn hóa ứng xử trong bán hàng để giữ chân khách, tăng sức cạnh tranh của chợ. Sau hàng loạt động thái thay đổi, hiện nay, đến khu trung tâm chợ Bến Thành, khách hàng có thể thấy sự đổi mới hoàn toàn. Các quầy hàng thiết kế độc đáo, khác biệt, đẹp không thua các shop ở siêu thị, trung tâm thương mại. Đặc biệt, tiểu thương tại các quầy hàng này cũng rất hiện đại trong cung cách ứng xử, để khách tự chọn, thoải mái xem hàng hóa, giá cả niêm yết sẵn, không chèo kéo, làm phiền khách.
Cô Lý Thanh Hoài, quầy quà lưu niệm Hiệp Thành (E. 3, lầu 1) chợ An Đông cho rằng, quan niệm hàng chợ, rẻ tiền đã lỗi thời. Hiện nay, hầu hết tiểu thương bán hàng ở chợ đều đầu tư đáng kể vào chủng loại hàng hóa, mẫu mã, chất lượng. Như các mặt hàng quà lưu niệm, đồ chơi trẻ em, vật dụng trang trí phòng ngủ, phòng trẻ em… đang bán tại quầy đều được cập nhật xu hướng mới nhất, kiểu dáng và chất liệu hiện đại nhất. Nếu so sánh không hề thua kém hàng cùng loại đang bán tại các shop hay trung tâm thương mại, nhưng giá rẻ hơn từ 20% - 30%. Đặc biệt, mấy năm gần đây, chợ ế, hàng bán chậm, tiểu thương còn chọn cách săn tìm hàng độc, lạ trong lĩnh vực của mình để thu hút khách hàng. Nguồn hàng cũng rất đa dạng, như mặt hàng thời trang thương hiệu nổi tiếng vừa tung ra thị trường châu Á (Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc…) và được người tiêu dùng mọi giới ưa chuộng, thì vài hôm sau tiểu thương tại chợ cũng có hàng để bán. Với cách này, chợ có thêm một lượng khách đáng kể thậm chí cả các shop, quầy đang kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại cao cấp. Bà Lưu Thị Lý – phụ trách kinh doanh, ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, ban quản lý cũng hưởng ứng chương trình bán hàng bình ổn giá của thành phố, bằng cách vận động nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thiết yếu bán hàng giá gốc cho tiểu thương, hướng đến mục tiêu tăng lợi thế cạnh tranh với những kênh bán hàng hiện đại đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các thành phố lớn.
Số liệu từ Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có trên 9.000 chợ truyền thống và phân phối 80% lưu lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc, chợ vẫn là kênh phân phối quan trọng nhất của doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước. Bởi trên 90% lượng hàng hóa kinh doanh tại chợ là hàng sản xuất trong nước, từ hàng hóa của những nhà sản xuất tên tuổi, đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất gia đình. Ông Phạm Thanh Hùng – Phó giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho rằng, kênh phân phối chợ rất quan trọng đối với doanh nghiệp, vì vậy, Ba Huân đã chọn mở rộng “hết cỡ” bằng sự có mặt tại hầu hết các chợ lớn nhỏ trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận. Trong tương lai, nếu chợ truyền thống thay đổi theo hướng kinh doanh hiện đại, đồng bộ thì chợ truyền thống vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với những kênh bán hàng khác.
Thanh Thanh