Hiện thực hoá mục tiêu ổn định tỷ giá
Ổn định tỷ giá: Quan trọng là ý chí nhà điều hành | |
NHNN có đủ công cụ giữ ổn định tỷ giá | |
Ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất |
Nhiều yếu tố hỗ trợ
Những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới làm dấy lên nhiều lo ngại sẽ ảnh hưởng không tốt tới thị trường tiền tệ Việt Nam, xoáy vào tỷ giá và lãi suất. Quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở cuộc họp hôm 28/7 đã có tác động tích cực tới tỷ giá và thị trường ngoại hối ở Việt Nam nhưng các nền kinh tế lớn khác như EU, Trung Quốc, Nhật Bản... tiềm ẩn không ít biến động. Vậy chúng ta sẽ hiện thực hóa mục tiêu ổn định tỷ giá từ nay tới cuối năm như thế nào?
Việc điều hành cung ứng tiền một cách hợp lý của NHNN đã tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất |
Đầu tháng 2/2016, NHNN bắt đầu mua vào ngoại tệ ở mức 22.300 đồng/USD. Và chỉ tính riêng trong những ngày đầu của tháng 2/2016, lượng ngoại tệ mà NHTW mua vào đã là 300 triệu USD. Do ảnh hưởng từ sự kiện Brexit vào ngày 24/6/2016 đã làm cho đồng bảng Anh mất giá 8%, tác động tới tỷ giá VND/USD. Hoạt động mua vào ngoại tệ của NHNN đã bị gián đoạn.
Tuy nhiên, diễn biến này chỉ diễn ra trong giai đoạn ngắn, bởi sau đó thị trường đã nhanh chóng trở lại ổn định, tỷ giá VND/USD chỉ tăng nhẹ do tác động tâm lý, việc mua ròng ngoại tệ của NHNN được nối trở lại. Tính tới giữa tháng 6/2016, theo thông tin từ NHNN đưa ra, dự trữ ngoại hối quốc gia đã có sự cải thiện rõ rệt với khoảng 38 tỷ USD, sau khi nhà điều hành mua vào khoảng 8 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2016.
Nhận định tình hình tỷ giá từ đầu năm tới nay khá ổn định, giá trị VND so với USD tăng hơn trước, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là thành quả đáng ghi nhận trong cơ chế điều hành tỷ giá mới của NHNN. Với việc điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến cung - cầu ngoại tệ trong nước, thị trường tài chính thế giới, phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và thực hiện đồng bộ các công cụ để hỗ trợ tỷ giá khi cần thiết, có thể thấy thị trường ngoại tệ từ đầu năm đến nay diễn biến tích cực.
Tỷ giá VND/USD giao dịch trên thị trường liên NH giảm và tương đối ổn định trên mặt bằng mới, quanh tỷ giá mua ngoại tệ của NHNN (22.300 VND/USD), thấp hơn khoảng 0,8% so với cuối năm 2015 và thấp xa so với tỷ giá trần. Với những diễn biến hiện tại trên thị trường ngoại hối thì có thể dự đoán từ nay tới cuối năm, tình hình tỷ giá nhiều cơ sở để giữ ổn định.
Theo đó, cùng với dự trữ ngoại hối gia tăng, việc Việt Nam tiếp tục xuất siêu trở lại trong 7 tháng đầu năm 2016 với mức xuất siêu là 1,8 tỷ USD; lượng kiều hối đổ về TP. Hồ Chí Minh 7 tháng đầu năm ước đạt 2,5 tỷ USD (tăng khoảng 4,16% so với cùng kỳ năm ngoái)… là những nhân tố quan trọng hỗ trợ cho sự ổn định của đồng Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo diễn biến tỷ giá sẽ vẫn phải dựa vào nhiều yếu tố trên thị trường tài chính thế giới như: diễn biến của đồng CNY, thị trường EU sau một loạt biến động về chính trị, sự phục hồi của kinh tế Mỹ... Nhiều chuyên gia cũng đồng tình rằng những biến động này khó có thể dự đoán được trong thời gian ngắn. Song, nếu không có những sự kiện quá lớn xảy ra thì tình hình tỷ giá vẫn có thể giữ ổn định.
Chính sách tỷ giá: “Động” để… “tĩnh”
Việc tăng dự trữ ngoại hối của NHNN để đảm bảo có một dự trữ quốc gia mạnh, có thể can thiệp vào thị trường ngoại hối vì mục tiêu ổn định tỷ giá là chuyện cần làm, và thực tế là đã có những tác động tích cực. Nhưng mặt khác, theo lý giải của các chuyên gia, khi mua vào một lượng ngoại hối lớn thì NHNN cũng đẩy ra một lượng tiền đồng trong nền kinh tế.
Điều này có thể ảnh hưởng tới lạm phát. Nên vấn đề ở đây là Chính phủ và NHNN phải làm sao để giữ được thế quân bình giữa đảm bảo dự trữ ngoại hối quốc gia, đồng thời tránh đổ một lượng quá lớn tiền đồng vào nền kinh tế gây ra lạm phát. “Phải thừa nhận năm nay tỷ lệ lạm phát hiện tại cao hơn năm ngoái. Tuy nhiên, điều này đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Nếu muốn có một tỷ lệ tăng trưởng GDP cao thì phải chấp nhận một tỷ lệ lạm phát tương đối”- một chuyên gia bày tỏ quan điểm.
Để làm được điều này không phải chuyện dễ dàng, nhưng thực tế có thể nhìn thấy, việc điều hành cung ứng tiền một cách hợp lý của NHNN từ đầu năm tới nay đã tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ ổn định tỷ giá và việc phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát.
Phó Tổng giám đốc HDBank, ông Lê Thành Trung trong một lần trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng đã chia sẻ rằng, để xác định tỷ giá đô la Mỹ ở mức nào so với đồng Việt Nam thì cần nhìn nhận ở việc giá trị đồng tiền của chúng ta đang ở đâu.
Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam so với các năm trước có tín hiệu tích cực, và chính việc này đảm bảo cho giá trị của đồng Việt Nam cũng như việc điều hành tỷ giá thuận lợi hơn. Và các chỉ số kinh tế vĩ mô mới là vấn đề quyết định cho việc tỷ giá có thay đổi hay không. Khi Việt Nam nhập siêu thì nhu cầu về ngoại hối sẽ cao, đẩy tỷ giá đi lên.
Nên theo ý kiến của lãnh đạo một NHTM, nếu muốn giữ tỷ giá ổn định thì vấn đề vô cùng quan trọng là xuất khẩu của Việt Nam cần phải duy trì và tăng tốc. Khi có thị trường xuất khẩu vững mạnh sẽ tạo ra thu nhập ngoại tệ lớn cho quốc gia, ổn định thị trường ngoại hối.
Song song với đẩy mạnh xuất khẩu, các chuyên gia đều chung quan điểm là phải ổn định thị trường trong nước: từ thị trường vàng đến thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường tiền gửi NH... Những thị trường này ổn định sẽ củng cố lòng tin của người dân đối với tiền đồng, từ đó họ không có suy nghĩ là phải dịch chuyển tiền đồng sang những tài sản khác. Quan trọng hơn hết là hệ thống tài chính, NH phải có sự ổn định. Bởi biến động trong hệ thống NH luôn tạo ra sự bất an cho dân chúng, đặc biệt là người gửi tiền.