Hiệu quả tín dụng ưu đãi ở Tây Nguyên
Tiếp sức cho chương trình mục tiêu quốc gia | |
Mục tiêu quan trọng nhất của NHCSXH là thực hiện tín dụng chính sách xã hội |
Hơn 15 năm qua, tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ được NHCSXH thực hiện đồng bộ, hiệu quả đã trở thành động lực quan trọng giúp đồng bào Tây Nguyên phát huy hiệu quả các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong vùng.
Vốn tín dụng ưu đãi đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân Tây Nguyên |
Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với dân số hơn 5,6 triệu người, là một trong sáu vùng kinh tế lớn của đất nước, có tiềm năng lợi thế về nông nghiệp, cây công nghiệp nhưng các tỉnh trong khu vực vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư phát triển. Đặc biệt, vấn đề đáng quan tâm nhất là tỷ lệ hộ nghèo, là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng chiếm tỷ lệ còn cao. Vào thời điểm 2016 tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới toàn khu vực là 15,27%.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các địa phương và sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, khu vực Tây Nguyên đã có những bước phát triển và thay đổi tích cực. Cùng với các bộ, ngành Trung ương, NHCSXH đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển vùng Tây Nguyên của Đảng và Chính phủ để tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn.
Qua 725 điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại các trụ sở UBND cấp xã, thực hiện cơ chế công khai, thuận tiện cho sự kiểm tra giám sát của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, NHCSXH đã triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án nhận ủy thác cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách.
Tổng doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nguyên từ khi NHCSXH đi vào hoạt động đến hết năm 2017 là 35.650 tỷ đồng, với gần 2,3 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn; trong đó doanh số cho vay đối với hộ nghèo là 13.436 tỷ đồng, với gần 1 triệu hộ nghèo được vay vốn; doanh số cho vay đối với hộ cận nghèo là 3.375 tỷ đồng, với hơn 140 nghìn hộ cận nghèo được vay vốn; doanh số cho vay đối với hộ đồng bào DTTS là 12.538 tỷ đồng, với 0,4 triệu hộ được vay vốn.
Vốn tín dụng chính sách đầu tư tại Tây Nguyên hơn 15 năm qua đã góp phần giúp 362 ngàn hộ thoát nghèo; tạo điều kiện cho gần 230 ngàn HSSV nghèo được vay vốn đến trường; tạo việc làm cho hơn 142 ngàn lao động; xây dựng, cải tạo hơn 43 ngàn căn nhà cho hộ nghèo; xây dựng hơn 577 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường cho các hộ gia đình tại khu vực nông thôn; giúp cho gần 5 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Thời gian tới, NHCSXH tiếp tục chủ động tham mưu cho các bộ, ban, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và thực hiện thành công Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020.
Phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, bổ sung các đối tượng chính sách và xác nhận để cho vay theo quy định, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững và có điều kiện trả nợ cho ngân hàng giúp cho người dân ngày càng sử dụng vốn vay hiệu quả, giảm dần tệ nạn cho vay nặng lãi; tăng cường nguồn vốn địa phương dành cho công tác giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn.
Kết hợp giữa tín dụng chính sách và các chính sách về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay hiệu quả, phát triển đời sống và có điều kiện để trả nợ vốn vay đúng hạn. Tiếp tục duy trì củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.
Theo NHCSXH, đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến hết năm 2017 đạt 14.949 tỷ đồng với 525 nghìn hộ còn dư nợ vay. Trong đó, dư nợ cho vay đối với hộ nghèo là 1.243 tỷ đồng, với gần 159 hộ còn dư nợ, dư nợ cho vay hộ cận nghèo là 2.679 tỷ đồng với hơn 95 nghìn hộ còn dư nợ và dư nợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay các chương trình tín dụng chính sách khác nhau là 5.725 tỷ đồng với 215 nghìn hộ còn dư nợ. |