Hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở Phú Lương
Trong đó, một trong những giải pháp giảm nghèo được cho là trọng tâm và phát huy tối đa hiệu quả là tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện đã giúp cho nhiều hộ nghèo có điều kiện, cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Gia đình chị Lý Thị Hoa (bên phải) sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi trâu sinh sản |
“Cần câu” của người nghèo
Theo kết quả rà soát, xét duyệt xóm đặc biệt khó khăn và xã khu vực I, II, III theo Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay huyện Phú Lương có 51 xóm đặc biệt khó khăn. Đây là các xóm đạt tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quyết định xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn của các xã. Còn đối với kết quả rà soát xã khu vực, toàn huyện có 2 xã Yên Lạc, Yên Trạch đề nghị xã khu vực III, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã lớn hơn 55%, tỷ lệ xóm đặc biệt khó khăn đạt trên 35%.
Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, đại bộ phận đời sống của nhân dân trên địa bàn đều dựa vào sản xuất nông nghiệp, chính vì vậy trong thời gian qua NHCSXH huyện Phú Lương tiếp tục tập trung cho vay nông nghiệp, nông thôn, phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các đối tượng chính sách là hộ nghèo, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số thiếu vốn sản xuất.
Để nguồn vốn đến được với người dân, các hội, đoàn thể phối hợp với NHCSXH huyện duy trì thực hiện các Điểm giao dịch cố định tại 16/16 xã, thị trấn trên địa bàn, với 344 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn để người nghèo tiếp cận vốn vay một cách dễ dàng, thuận lợi.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc NHCSXH huyện Phú Lương cho biết, để đồng vốn phát huy hiệu quả tốt nhất, cũng là để các hộ vay có điều kiện trả lãi, trả nợ đúng quy định, NHCSXH huyện luôn chú trọng làm tốt việc tham mưu với Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện để chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Ban Giảm nghèo các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn, phát tờ rơi hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con, trong đó chú trọng ưu tiên những hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách.
Ngoài ra, tại các buổi giao dịch hàng tháng tại xã, NHCSXH huyện còn tuyên truyền để hộ vay nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp cho vay hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích. Nhờ vậy, chất lượng tín dụng đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp, chiếm 0,005% tổng dư nợ.
Đến nay, tổng dư nợ của 13 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 342 tỷ đồng. Các chương trình tín dụng ưu đãi đang thực hiện trên địa bàn đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng khó khăn. Năm 2016, huyện Phú Lương giảm được trên 2% hộ nghèo, tạo việc làm mới cho 1.800 lao động.
Đồng vốn “nở hoa”
Đến thăm gia đình bà Tạ Thị Nga ở xóm Ao Trám, xã Động Đạt, một trong những hộ từng nằm trong danh sách hộ nghèo, nay đã vươn lên thoát nghèo, chúng tôi đã được gia đình chia sẻ về hiệu quả của vốn vay ưu đãi NHCSXH.
Chồng mất sớm, một mình bà Nga xoay xở, vất vả nuôi 4 người con ăn học. Năm 2010, đang lúc khó khăn nhất, gia đình bà Nga được Tổ tiết kiệm vay vốn của xóm bình xét để được vay 15 triệu đồng nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo từ NHCSXH huyện Phú Lương. Từ số tiền này, bà đầu tư nuôi lợn, tích cóp tiền lãi để mua bò sinh sản, mở rộng diện tích trồng chè và trồng rừng. Ngoài ra, bà cũng được vay vốn hỗ trợ học sinh, sinh viên để các con theo học đại học.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ban đầu cùng với sự nỗ lực, chăm chỉ làm ăn, gia đình đã thoát nghèo, xây được nhà mới, nuôi 6 con bò sinh sản, trồng 3ha rừng và chè. Hai người con lớn của bà Nga đã có việc làm với mức thu nhập khá sau khi học xong đại học. Bà Nga chia sẻ mộc mạc: “Nếu không có nguồn vốn ưu đãi này thì không biết gia đình tôi còn khó khăn đến bao giờ”.
Cùng xã Động Đạt, gia đình chị Lý Thị Hoa ở xóm Đồng Tâm sau khi được vay 30 triệu đồng hộ nghèo năm 2013 đã mua 1 con trâu cái. “Đến nay, trâu mẹ đã đẻ thêm 1 nghé cái. Con nghé này tôi sẽ giữ lại nuôi để nhân đàn. Vốn vay của NHCSXH là “cần câu cơm” hiệu quả cho những người nghèo như gia đình tôi”, chị Hoa cho biết.
Cũng nhờ được tiếp cận tín dụng chính sách mà gia đình chị Nguyễn Thị Tiền ở xóm Na Pháng, xã Yên Trạch đã vươn lên thoát nghèo. “Năm 2014, gia đình tôi được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH. Với số tiền này, gia đình đã đầu tư mua 2 con bò và chăn nuôi thêm lợn. Đến nay trong chuồng của gia đình lúc nào cũng có trên 30 con lợn thịt, mỗi năm 3 lứa, trừ mọi chi phí cũng thu lãi khoảng 30 triệu đồng/năm. Năm ngoái, sau khi bán lứa lợn đầu tiên, gia đình tôi đã trả ngân hàng được 10 triệu đồng, số còn lại gia đình để tiếp tục đầu tư chăn nuôi”, chị Tiền chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thom - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Trạch cho biết: Yên Trạch là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương. Toàn xã có 820 hội viên phụ nữ thì có tới gần 400 gia đình hội viên thuộc diện hộ nghèo. Vì vậy, thời gian qua, Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để hội viên vay vốn NHCSXH với lãi suất thấp. Đến nay, toàn xã đã có 9 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ đạt trên 12 tỷ đồng. Có vốn, nhiều gia đình hội viên đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, nhờ đó mà nhiều hộ đã thoát được nghèo.
Gia đình bà Nga, chị Hoa, chị Tiền chỉ là 3 trong gần 11.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách trong huyện Phú Lương được tiếp cận vốn chính sách đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, từ đó làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn, cải thiện đời sống, tăng thu nhập, từng bước quen dần với cơ chế thị trường.