Hiệu quả từ kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp ở Hà Nam
Phải nói ngay rằng, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (DN) đã tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý; duy trì ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các NHTM trong việc chia sẻ khó khăn với khách hàng; thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, tạo thuận lợi cho việc mở rộng đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả.
Ảnh minh họa |
Có thể thấy, trên địa bàn tỉnh Hà Nam phần lớn là DN nhỏ và vừa, vốn tự có thấp; khả năng lập phương án sản xuất kinh doanh, phương án vay vốn còn yếu hoặc chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án, phương án; nhiều DN có tính minh bạch về tài chính chưa cao, hệ thống sổ sách chứng từ chưa đầy đủ, chưa phản ánh đúng thực trạng hoạt động của DN...
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, NHNN chi nhánh tỉnh Hà Nam đã tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền, cải cách hành chính; Chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đồng thời, chủ động tiếp cận, tìm kiếm khách hàng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn chính đáng của DN. Đến hết 30/9/2018, dư nợ cho vay DN tăng cao so với cùng kỳ và đầu năm. Qua các đợt tham gia tiếp xúc cử tri cho thấy không có phản ánh kiến nghị nào của cử tri liên quan đến chất lượng cung cấp dịch vụ ngân hàng trên địa bàn.
Từ những cố gắng ấy, hỗ trợ vốn tín dụng đối với DN trên địa bàn Hà Nam đã tăng nhanh, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt 17.295 tỷ đồng; Doanh số thu nợ lũy kế từ đầu năm đạt 13.174 tỷ đồng. Dư nợ cho vay DN đạt 18.172 tỷ đồng, chiếm 55,56% tổng dư nợ trên địa bàn, tăng 23,85% so với đầu năm, với 1.563 DN còn dư nợ. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ: các DN được gia hạn nợ là 461,44 tỷ đồng, với 211 món; điều chỉnh giảm lãi suất là là 4 món, với số tiền là 0,46 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Tùng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nam cho biết, tại một số TCTD, công tác mở rộng đầu tư tín dụng còn hạn chế do tỷ lệ dư nợ/huy động vốn thấp và một phần do Hội sở chính một số TCTD giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm cho Chi nhánh chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Do đó, để tiếp tục triển khai tốt Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, đặc biệt là tập trung vốn cho vay đối với các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND tỉnh, ngành Ngân hàng trên địa bàn tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Bám sát diễn biến tình hình tiền tệ và hoạt động ngân hàng để chỉ đạo kịp thời đối với các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng.
Tích cực phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc cung cấp thông tin nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Trọng tâm triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp công tác với UBND các huyện, thành phố; đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng, nhất là ở địa bàn nông thôn và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (năng lực tài chính, quản trị rủi ro và chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hóa công nghệ), đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của người dân, DN.
Tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền; tạo lòng tin cho cộng đồng DN và người dân về công tác điều hành của Chính phủ và NHNN Việt Nam, bảo đảm hệ thống ngân hàng trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.