Hiệu ứng tích cực của CSTT lan tỏa đến nền kinh tế
Điều hành CSTT chủ động, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh | |
Điều hành CSTT đạt được nhiều kết quả tích cực |
Hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn hiệu quả là tiền đề để nền kinh tế tăng trưởng bền vững |
Điều hành CSTT đạt mục tiêu kép
NHNN đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây.
Cụ thể, NHNN đã điều hành nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc chào mua, chào bán tín phiếu để điều tiết lượng tiền trong nền kinh tế, duy trì sự ổn định trên thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, NHNN cũng điều hành đồng bộ các công cụ CSTT khác như giữ ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với các TCTD; thực hiện tái cấp vốn đối với các TCTD để cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt;... góp phần kiểm soát tiền tệ, không tạo ra áp lực gia tăng lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất thị trường. Kết quả, 9 tháng đầu năm 2019, lạm phát bình quân là 2,5%; lạm phát cơ bản bình quân là 1,91%, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý.
Một trong những điểm nhấn trong điều hành CSTT là duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Trong 9 tháng đầu năm, NHNN đã chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính...
Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, trong bối cảnh NHTW các nước trên thế giới gia tăng nới lỏng CSTT, trong nước kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định, ngày 16/9/2019, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống TCTD.
Dù mức độ tác động trực tiếp lên mặt bằng lãi suất thị trường không lớn, nhưng động thái này phát đi thông điệp định hướng của nhà điều hành đối với các NHTM là cần phải thiết lập một mặt bằng lãi suất hợp lý cho thị trường. Nhờ vậy, đến thời điểm này, về cơ bản, mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ổn định. Một số ngân hàng TMCP lớn tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên vào đầu năm và tháng 8/2019.
Điều hành tỷ giá hối đoái cũng là thành công nổi bật của NHNN. Trong bối cảnh các NHTW trên thế giới đều nới lỏng tiền tệ, đặc biệt, những điều chỉnh tương đối lớn của đồng CNY, một số đồng tiền trong khu vực và giá vàng thế giới... NHNN vẫn kiên định mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá. Đồng thời có những hành động cân bằng cung - cầu thị trường nhanh chóng và linh hoạt khiến cho thị trường hối đoái rất yên bình không có biểu hiện đầu cơ, kỳ vọng tăng tỷ giá.
“Việc áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm đã góp phần làm tăng tính linh hoạt và nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, đồng thời làm giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế, góp phần làm tăng nguồn cung ngoại tệ trên thị trường”, báo cáo nhấn mạnh.
Liên quan tới điều hành tín dụng, NHNN cho biết, kiên định điều hành theo mục tiêu tăng trưởng phù hợp với cân đối vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Đến ngày 30/9/2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Tín dụng ngoại tệ được kiểm soát phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế...
Các giải pháp đồng bộ nêu trên đã góp phần tích cực giúp nền kinh tế đạt được nhiều kết quả khả quan, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra. Những kết quả tích cực trong điều hành CSTT của NHNN là cơ sở quan trọng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá rất tích cực tín nhiệm quốc gia thể hiện qua việc Fitch nâng triển vọng của Việt Nam từ mức “Ổn định” sang “Tích cực” và tiếp tục duy trì mức xếp hạng BB (tháng 5/2019); S&P lần đầu tiên sau 9 năm đã điều chỉnh nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB (tháng 4/2019).
Tại Hội nghị Sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao điều hành CSTT của NHNN với trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ ưu tiên số một trong điều hành của Chính phủ nói chung và NHNN nói riêng nhằm gia tăng khả năng chống chọi với những cú va đập bên trong và ngoài để đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định, cũng như đảm bảo an toàn hệ thống.
Gia cố sức khỏe của hệ thống
Đối với công tác tái cơ cấu, đến nay, NHNN đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt Phương án cơ cấu lại của hầu hết các TCTD. Công tác tái cơ cấu các TCTD đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thể hiện ở năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm. Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng: Đến cuối tháng 8/2019, tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt 11,81 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2018 và tăng 18,8% so với cuối năm 2017.
Tình trạng sở hữu chéo cũng được xử lý gần như dứt điểm khi số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đến thời điểm 30/6/2019 đã khắc phục hết. Riêng sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp, đến tháng 6/2019 chỉ còn lại 1 NHTMCP với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau.
Song song với hoạt động tái cơ cấu, công tác xử lý nợ xấu cũng đạt được kết quả khả quan. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 968,89 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 629,2 nghìn tỷ đồng chiếm tới 64,94% tổng nợ xấu xử lý, còn lại là bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác chiếm 35,06%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%.
Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể, nhưng lãnh đạo NHNN vẫn đưa ra một số quan ngại ảnh hưởng đến tình hình sức khỏe của hệ thống ngân hàng, có thể tác động đến dòng chảy vốn ngân hàng vào nền kinh tế.
“Việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của NHTM Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính - tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTM Nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế”, báo cáo cho biết.
Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Đề án 1058 tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, NHNN đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước nhưng không bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc.
NHNN cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp và tham gia hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của các TCTD, đặc biệt là Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với NHNN trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến phương án tăng vốn của các NHTM Nhà nước và cổ phần hóa Agribank.
NHNN đề nghị Quốc hội xem xét yêu cầu Tòa án Nhân dân tối cao sớm có văn bản gửi cơ quan tòa án địa phương ưu tiên áp dụng các thủ tục rút gọn được quy định tại Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP khi giải quyết các vụ án liên quan đến xử lý nợ xấu. Tòa án Nhân dân tối cao xem xét, phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp sớm có văn bản chỉ đạo về việc hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42...