Hoàn thiện khung pháp lý cho tiền điện tử
Hoàn thiện cơ chế pháp lý về tiền điện tử | |
Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý tiền điện tử, tiền ảo |
Xem xét, bổ sung quy định làm rõ bản chất của tiền điện tử để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ các quy định pháp lý hiện hành |
Tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã ban hành các quy định về quản lý tiền điện tử mà theo đó, tiền điện tử được xem là phương tiện thanh toán để thực hiện các giao dịch thanh toán. Thậm chí NHTW Trung Quốc (PBOC) có thể sẽ trở thành NHTW lớn đầu tiên phát hành phiên bản điện tử của đồng Nhân dân tệ để bắt kịp và kiểm soát nền kinh tế đang số hoá nhanh chóng.
Theo PBOC, lý do để NHTW này phát hành tiền điện tử nằm ở khả năng theo dõi sự dịch chuyển của tiền điện tử sẽ hữu ích trong việc đối phó với hoạt động rửa tiền và nhiều hành vi vi phạm khác.
Theo NHNN, nghiên cứu khung pháp lý, chính sách và biện pháp quản lý hoạt động cung ứng tiền điện tử của một số quốc gia cho thấy, tiền điện tử không phải là một loại tiền tệ mới mà chỉ là hình thái biểu hiện của đồng tiền pháp định dưới dạng công cụ hoặc phương tiện thanh toán được sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán.
Cùng với sự xuất hiện của thuật ngữ “tiền điện tử” và xu hướng phát triển sản phẩm tiền điện tử trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, trong đó giao NHNN làm đầu mối rà soát các văn bản pháp lý hiện hành để bổ sung các quy định về tiền điện tử.
Vì vậy, NHNN hiện đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Nội dung dự thảo có đề cập đến khái niệm tiền điện tử và tiền di động. Theo dự thảo, tiền điện tử giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng, bao gồm thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động.
Trong đó, tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. Ví điện tử là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phát hành và định danh khách hàng thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng. Còn thẻ trả trước là tiền điện tử do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành, cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ.
Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung thêm dịch vụ tiền di động là dịch vụ TGTT để các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT sau khi được NHNN cấp giấy phép có thể triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile-Money). Nội dung bổ sung này được nhận định là cần thiết, giúp người dân có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi với thiết bị di động được kết nối Internet, đồng thời giúp thúc đẩy tài chính toàn diện.
Trao đổi với một chuyên gia tài chính, ông này nhận định cơ hội phát triển tiền điện tử tại Việt Nam là rất lớn. Khi hiện nay, khoảng 65% dân số Việt Nam đang ở độ tuổi trẻ (dưới 35 tuổi), dễ tiếp cận công nghệ với 51 triệu người hiện sử dụng điện thoại thông minh và 50 triệu người hiện sử dụng internet; mạng di động 3G/4G phủ sóng tới hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.
Thêm vào đó, theo vị này, thanh toán di động hiện đang dần trở thành xu hướng mới với các công nghệ tiện ích như mã QR, tiếp xúc trường gần NFC, số hoá thông tin thẻ (tokenization)... Cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán điện tử, ví điện tử, thẻ trả trước cũng đang dần được hoàn thiện. Một số ngân hàng cũng đang cho thí điểm các điểm giao dịch tự động hiện đại, với nhiều chức năng hỗ trợ như mở tài khoản, rút/nhận tiền mặt, thanh toán, chuyển tiền... hướng tới nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Thực tế, trong các văn bản pháp lý hiện hành, thuật ngữ “tiền điện tử” đã được đề cập tại Điểm đ khoản 3 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền, tuy nhiên thuật ngữ này lại chưa được giải thích tại một số văn bản dưới luật. Việc NHNN xem xét, bổ sung các quy định để làm rõ bản chất của tiền điện tử tại dự thảo Nghị định về TTKDTM là rất cần thiết để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ các quy định pháp lý hiện hành nhằm phát triển các sản phẩm thanh toán cung cấp dưới dạng tiền điện tử và tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại điện tử.
Đối với giải pháp hoàn thiện khung pháp lý cho tiền điện tử tại Việt Nam, bên cạnh việc hoàn thiện quy định để làm rõ khái niệm, bản chất của tiền điện tử; xác định rõ đối tượng cung ứng tiền điện tử và phạm vi điều chỉnh thì theo chuyên gia, việc cần làm song hành là hoàn thiện cơ chế quản lý các tổ chức phát hành tiền điện tử không phải ngân hàng. “Cùng với đó, xây dựng cơ chế đảm bảo chấp nhận thanh toán liên thông giữa các ví điện tử của các tổ chức cung ứng ví khác nhau nhằm mở rộng phạm vi, mức độ chấp nhận tiền điện tử/ví điện tử”, chuyên gia chia sẻ.
Trước sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của CNTT, cuộc CMCN 4.0, xu hướng hội nhập toàn cầu của nền kinh tế và nhu cầu của thực tiễn đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động thanh toán, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu của khách hàng, ngăn chặn đối phó với những nguy cơ về an ninh mạng, thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh…
ThS. Phạm Xuân Hoè - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cũng lưu ý: Trong tương lai, sự phát triển của CNTT có thể dẫn tới một hệ thống tiền tệ toàn cầu với những giao dịch điện tử diễn ra theo thời gian thực. Do đó, khả năng các NHTW gặp khó khăn trong việc kiểm soát hệ thống tiền tệ quốc gia là hoàn toàn có thể xảy ra.
Đặc biệt, việc NHTW rất khó khăn để kiểm soát lượng cung tiền của nền kinh tế trong trường hợp tổ chức phát hành tiền điện tử là các định chế tài chính phi ngân hàng tại nước ngoài. Đây là một trở ngại mà NHNN sẽ phải lường trước trong những năm tới.