Huy động vốn cộng đồng: Ưu thế và tiềm năng của doanh nhân nữ
Gọi vốn hạt giống từ cộng đồng là cách sử dụng các nền tảng huy động vốn cộng đồng theo hình thức “nhận quà tri ân” để hỗ trợ tài chính cho việc sáng tạo, phát triển hay ra mắt các sản phẩm hoặc dịch vụ mới. Theo đó, nhà tài trợ trả tiền cho sản phẩm, dịch vụ, hay dự án ngay cả khi nó chưa có mặt trên thị trường.
PwC và Trung tâm Huy động Vốn cộng đồng đã công bố báo cáo Không giới hạn: Thúc đẩy tiềm năng cho phụ nữ khởi nghiệp, tìm hiểu về việc phụ nữ huy động nguồn lực tài chính tốt hơn thông qua hình thức gọi vốn hạt giống từ cộng đồng so với các phương pháp truyền thống khác.
Dựa trên các dữ liệu do Trung tâm Huy động Vốn cộng đồng thu thập trong năm 2015 và 2016, báo cáo đã tổng hợp kết quả của 465 nghìn chiến dịch gọi vốn hạt giống từ cộng đồng thông qua 9 nền tảng huy động vốn cộng đồng lớn nhất thế giới. Theo đó, mặc dù có nhiều nam giới huy động vốn hạt giống từ cộng đồng (seed crowdfunding) hơn, nhưng chính phụ nữ lại thành công hơn trong việc đạt được mục tiêu vốn cần huy động trong tất cả ngành nghề và khu vực địa lý.
Các chiến dịch do phụ nữ triển khai thường thành công hơn 32% so với các chiến dịch do nam giới thực hiện xét theo tiêu chí đạt được mục tiêu tài chính đã đề ra.
Trong khi nam giới thường nhắm đến các mục tiêu huy động vốn lớn hơn, các dự án do phụ nữ thực hiện thu được mức tiền ủng hộ trung bình cao hơn. Cụ thể, trung bình mỗi nhà tài trợ ủng hộ 87 USD cho các dự án của phụ nữ và 83 USD cho các dự án của nam giới (chênh lệch khoảng 5%).
Kể cả trong các lĩnh vực nam giới chiếm ưu thế như công nghệ, nơi tỷ lệ các chiến dịch do nam giới và phụ nữ thực hiện là 9:1, tỷ lệ thành công của các dự án huy động vốn của phụ nữ đều cao hơn (13%) so với nam giới (10%). Tương tự, trong lĩnh vực công nghệ số, nơi số chiến dịch của nam giới cao gấp 3 lần của phụ nữ, tỷ lệ phụ nữ thành công là 16% trong khi nam giới chỉ đạt 9%.
Tại các quốc gia có quy mô gọi vốn hạt giống từ cộng đồng lớn nhất là Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, 20% các chiến dịch do nam giới thực hiện đạt được các mục tiêu đề ra trong khi con số này ở phụ nữ lần lượt là 24% và 26%.
Kể cả tại các quốc gia mà mô hình gọi vốn hạt giống từ cộng đồng chưa phát triển, các chiến dịch của phụ nữ thành công hơn trong việc đạt được mục tiêu huy động vốn so với các chiến dịch của nam giới. Ví dụ, tỷ lệ thành công của các chiến dịch do phụ nữ và nam giới thực hiện tại châu Phi lần lượt là 11% và 3%. Ở các quốc gia E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Nga, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ), 10% các dự án huy động vốn do phụ nữ thực hiện đạt được mục tiêu, trong khi con số này ở nam giới chỉ là 4%.
Tuy nhiên, nam giới sử dụng hình thức gọi vốn hạt giống từ cộng đồng nhiều hơn đáng kể so với phụ nữ và do đó cũng huy động được số vốn nhiều hơn đáng kể so với phụ nữ; 89% các dự án huy động hơn 1 triệu USD là do nam giới thực hiện còn 11% là do phụ nữ triển khai.
Thành công từ các chiến dịch huy động vốn cộng đồng cho thấy sự đối lập rõ rệt với các phương thức huy động vốn truyền thống-nơi phụ nữ vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp mình.
Ông Manoj Kashyap, Lãnh đạo toàn cầu dịch vụ FinTech của PwC cho biết: “Các kết quả trong báo cáo Không giới hạn đã thách thức các chuẩn mực kinh doanh và khởi nghiệp hiện tại bằng cách đặt ra câu hỏi, liệu rằng có những định kiến sâu xa đang ngăn cản doanh nhân nữ tiếp cận vốn?
Chúng tôi ghi nhận một kết quả rất tích cực, đó là sự tăng trưởng và phổ biến toàn cầu của hình thức gọi vốn hạt giống từ cộng đồng đang mang lại nhiều cơ hội với tiềm năng ảnh hưởng lớn tới xã hội và nền kinh tế. Gọi vốn hạt giống từ cộng đồng cũng đang được hiểu và đón nhận như một hình thức uy tín giúp phụ nữ gặt hái được nhiều thành công hơn trong kinh doanh”.
Tuy nhiên, vẫn còn dư địa để đẩy mạnh phát triển hơn nữa. Nam giới đang sử dụng hình thức gọi vốn hạt giống từ cộng đồng nhiều hơn hẳn phụ nữ và do đó lượng vốn họ nhận được thông qua phương pháp này cũng cao hơn đáng kể. Nam giới cũng hay nhắm tới các mục tiêu lớn hơn phụ nữ và vì vậy họ áp đảo trong danh sách các chiến dịch huy động được nhiều vốn nhất tính theo ngành nghề. Báo cáo chỉ ra rằng chỉ có 7 trên 63 (tức 11%) các chiến dịch huy động được hơn 1 triệu USD là do phụ nữ thực hiện. Trong đó, chiến dịch huy động được số vốn cao nhất do phụ nữ thực hiện đứng thứ 18 trong bảng xếp hạng.
Bà Sharmila Karve, Lãnh đạo toàn cầu của hoạt động Đa dạng và Hòa nhập tại PwC cho biết: “Vẫn còn rất nhiều cơ hội để phụ nữ triển khai hình thức huy động vốn cộng đồng tích cực hơn và đặt ra các mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa. Chúng tôi mong rằng những thành công của các chiến dịch huy động vốn cộng đồng được vinh danh trong báo cáo của chúng tôi sẽ là động lực cho nhiều doanh nhân nữ khác tự tin hơn về khả năng của họ và nắm bắt các cơ hội tốt hơn”.
Mục đích của báo cáo là đưa ra cái nhìn rõ rệt nhất về các trở ngại mà các nữ doanh nhân đang gặp phải trong việc tiếp cận vốn, qua đó, chỉ ra rằng những cơ hội dành cho phụ nữ khởi nghiệp là không đồng đều. Tuy nhiên, nhờ có hình thức huy động vốn cộng đồng, các doanh nhân khởi nghiệp hiện có thể tiếp cận thị trường một cách trực tiếp, và điều này đã làm nên một sự khác biệt lớn.
Quan trọng hơn cả, các dữ liệu này đã chỉ ra những thử thách và cơ hội mà chúng ta cần quan tâm. Việc loại bỏ tận gốc các rào cản thường thấy ở các kênh huy động vốn truyền thống sẽ cung cấp nhiều cơ hội bình đẳng hơn cho cả nam giới và phụ nữ, doanh nghiệp và xã hội. Báo cáo đã gợi ý những hành động mà các chính phủ, nhà tài trợ, nhà tư vấn doanh nghiệp, nhà giáo dục, doanh nhân khởi nghiệp - bất kể là phụ nữ hay nam giới - có thể làm để nắm bắt được cơ hội và loại bỏ triệt để mọi rào cản.