IMF cảnh báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại từ năm 2020
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (WEO) vừa được công bố hôm 17/4, IMF cho biết, tăng trưởng đang được thúc đẩy bởi sự gia tăng chi tiêu trong kinh doanh và sự hồi phục về khối lượng thương mại.
Các dữ liệu của Bloomberg cũng cho thấy một dấu hiệu lạc quan khác. Trong 6 tháng vừa qua, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng trong năm nay đối với 95 quốc gia và 102 quốc gia vào năm 2019. Tuy nhiên, IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của 81 nước trong năm nay và 70 nước trong năm tới.
Theo đó, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ lên mức 2,9% trong năm nay, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Giêng; và tăng trưởng 2,7% trong năm tới, cũng tăng 0,2 điểm so với ba tháng trước. Tuy nhiên, IMF cho biết tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ thấp hơn dự kiến sau năm 2022, do thâm hụt ngân sách cao hơn và gói kích thích tài chính kết thúc.
IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro lên 2,4% trong năm 2018, tăng 0,2 điểm so với tháng một; song vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng trong năm tới ở mức 2%.
Trong khi dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn được giữ nguyên ở mức 6,6% trong năm nay và 6,4% vào năm 2019. IMF cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục cân bằng giữa đầu tư và sản xuất theo hướng tiêu dùng và dịch vụ, song cảnh báo rằng nợ nần sẽ làm giảm triển vọng trung hạn của quốc gia.
Tuy nhiên, “tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ giảm bớt sau vài năm tới”, IMF cho biết trong Báo cáo mới nhất của mình. “Một khi các khoảng cách sản lượng thu hẹp lại, hầu hết các nền kinh tế tiên tiến sẽ có thể quay trở lại mức tăng trưởng tiềm năng thấp hơn mức trung bình trước khủng hoảng do tình trạng già hóa dân số và năng suất thấp”.
IMF cũng cảnh báo đà tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng nếu các nước áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. “Xung đột có thể tăng lên nếu các chính sách tài khóa ở Mỹ thúc đẩy thâm hụt thương mại cao hơn mà không có hành động nào ở châu Âu và châu Á để giảm thặng dư”, Maurice Obstfeld - Chuyên gia Kinh tế trưởng của IMF cảnh báo.
Trong một cuộc họp báo vào thứ Ba, Obstfeld đã gọi những mâu thuẫn thương mại hiện nay là “nhiều hơn một cuộc chiến tranh giả tưởng”, liên hệ đến thời kỳ xung đột hạn chế vào đầu Thế chiến thứ hai. “Vẫn còn nhiều chỗ cho các quốc gia tham gia vào một cuộc thảo luận đa phương hơn để tận dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp nhằm tránh sự mâu thuẫn lớn hơn”, ông nói và thêm rằng, tất cả các nước sẽ bị thua trong một cuộc chiến tranh thương mại.
Obstfeld cũng khuyến nghị, Chính phủ các nước cần tận dụng thời điểm thích hợp để thực hiện cải cách cơ cấu và đưa ra các chính sách thuế nhằm nâng cao tiềm năng của nền kinh tế.
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF được công bố trước khi các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW của 189 quốc gia thành viên sẽ tụ họp tại Washington vào tuần này để tham dự cuộc họp mùa xuân thường niên của IMF. Dự kiến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là là một trong những trọng tâm để bàn thảo.
Bên cạnh căng thẳng thương mại, những người giám hộ của nền kinh tế toàn cầu cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khác, bao gồm việc kỷ nguyên nói lỏng tiền tệ sắp kết thúc và một khoản nợ thế giới đã lên đến mức kỷ lục 164 nghìn tỷ USD. Các thị trường tài chính cũng có nhiều biến động trong năm nay, với giá cổ phiếu của Mỹ giảm nhẹ sau khi có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2017.