IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng 2016 của toàn cầu ở mức 3,1%
Đây là lần đầu tiên IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau khi đã có 5 quý cắt giảm liên tục trước đó.
Báo cáo cập nhật của IMF cho biết sự sụt giảm tăng trưởng của Hoa Kỳ trong năm 2016 do nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng yếu ớt trong nửa đầu năm đã được bù đắp bằng sự tăng trưởng nhanh hơn của Nhật Bản, Đức, Nga, Ấn Độ và một số thị trường mới nổi khác.
Theo đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2016 của các nền kinh tế tiên tiến xuống còn 1,6%, trong khi nâng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi lên 4,2%.
Nguyên nhân chính kéo tụt tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến là do kinh tế Mỹ chậm lại đáng kể. Cụ thể IMF đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống còn 1,6% trong năm nay từ mức 2,2% như dự báo được đưa ra hồi tháng 7 do đầu tư kinh doanh yếu kém khiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm là rất đáng thất vọng.
Trong khi IMF đã tăng nhẹ dự báo tăng trưởng của Nhật do chi tiêu của Chính phủ cộng với việc trì hoãn tăng thuế tiêu dùng, cùng với chính sách tiền tệ mở rộng. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế của Nhật vẫn khá yếu chỉ ở mức 0,5% trong năm 2016 và 0,6% trong năm 2017.
Sự phục hồi mạnh mẽ trong chi tiêu tiêu dùng tại Anh sau sự cố Brexit cũng khiến IMF nâng dự báo tăng trưởng của Anh thêm 0,1 điểm phần trăm lên 1,8% trong năm 2016. Tuy nhiên tổ chức này lại hạ dự báo tăng trưởng của Anh trong năm 2017 xuống còn 1,1% do lo ngại cuộc đàm phán để Anh rời EU kéo dài 2,5 năm sẽ khiến đầu tư trong nước bị giảm sút mạnh.
Dự báo tăng trưởng Trung Quốc vẫn được IMF duy trì ở mức 6,6% cho năm 2016 và 6,2% cho năm 2017 một phần cũng nhờ chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và tăng trưởng tín dụng đã thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Trong khi dự báo tăng trưởng của Ấn Độ được IMF nâng nhẹ lên mức 6,7% sẽ tăng nhẹ lên 7,6 phần trăm trong cả hai năm 2016-2017.
Bản báo cáo cập nhật này được phát hành như một tài liệu cho Hội nghị thường niên của WB/IMF sẽ diễn ra trong tuần này trong bối cảnh làn sóng phản đối toàn cầu hóa và di cư đang tăng cao.
Trong Báo cáo này, IMF cũng đã cảnh báo tình trạng tăng trưởng trì trệ của kinh tế toàn cầu các thúc đẩy làn sóng phản đối tự do hóa thương mại và hoạt động di cư, từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế cũng như kìm hãm việc tăng năng suất và đổi mới.
Báo cáo cho thấy rằng một giảm tốc trong tự do hóa thương mại, trong khi các chính sách bảo hộ lại đang gia tăng đã góp phần vào sự suy giảm của thương mại toàn cầu kể từ năm 2008, qua đó tạo áp lực lớn lên tăng trưởng.
Một rủi ro nữa đối với triển vọng kinh tế toàn cầu đến từ sự chuyển đổi của Trung Quốc hướng đến một nền kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội dùng địa có thể khiến giá hàng hóa sụt giảm cũng như tăng mạnh các rào cản thương mại.
“Xét về tổng thể, nền kinh tế thế giới đang có xu hướng đi ngang”, Maurice Obstfeld - nhà kinh tế trưởng của IMF cho biết. “Nếu không nhanh chóng hành động với một quyết tâm cao độ để hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong ngắn và dài hạn, tăng trưởng có nguy cơ chững lại”.
Với kinh tế Mỹ, ông Maurice Obstfeld hoan nghênh quyết định của Fed trong việc giữ lãi suất ổn định trong tháng 9 và khuyến nghị Fed nên thận trọng với quyết định tăng lãi suất và nên tăng dần dần trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ vẫn thấp hơn mục tiêu 2% và kinh tế Mỹ không có nguy cơ quá nóng.