Kết nối cung cầu ngành mây tre đan xuất khẩu
Hàng thủ công mỹ nghệ có nhiều lợi thế | |
Xuất khẩu mây tre trước rào cản nguyên liệu |
Giá nguyên liệu ngày càng tăng
Việt Nam có khoảng trên 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề trong cả nước. Ngành hàng này không chỉ góp phần vào giá trị XK mà còn tạo việc làm cho lao động nông thôn và người dân tộc thiểu số. Đến nay, các sản phẩm mây tre đan đã XK trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ thế giới với kim ngạch XK trung bình đạt trên 200 triệu USD/năm, chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch XK hàng thủ công mỹ nghệ trong cả nước.
Ảnh minh họa |
Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ hội phát triển thị trường mới cho nhóm hàng mây tre đan Việt Nam thời gian tới là rất khả quan, chúng ta có khả năng chiếm được 8 – 10% thị trường thế giới và ngành chế biến mây tre Việt Nam có thể vươn tới 1 tỷ USD trong tương lai.
Một số thị trường mới nổi những năm gần đây như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Úc… đang có xu hướng nhập khẩu nhiều các mặt hàng mây tre đan từ Việt Nam. Đặc biệt, là Tây Ban Nha nhập khẩu các mặt hàng mây tre đan của Việt Nam tăng bình quân 13,2%, Trung Quốc tăng bình quân 40%/năm.
Mặc dù cơ hội là rất lớn, nhưng các DN mây tre đan Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang đối diện với thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào.
Bà Nguyễn Thị Lương – Công ty TNHH mây tre đan XK Hiền Lương (Hà Nội) chia sẻ, DN được thành lập từ năm 1998, thị trường XK chính của DN là châu Âu và châu Mỹ. Hiện nay nguyên liệu của năm 2017 trượt giá so với năm 2016 tăng 15.000 đồng/kg, bèo tây cũng tăng 12.000 đồng/kg. Rất bất ổn về giá nguyên vật liệu, do đó các đơn hàng XK đàm phán với khách gặp rất nhiều khó khăn.
Đại diện Công ty TNHH Đức Hùng (Thanh Hóa) cho biết, Công ty sản xuất đũa, tăm tre, sàn tre… tạo công ăn việc làm cho trên 300 lao động với tổng doanh thu 3 triệu USD/năm và dự kiến sang năm doanh thu tăng 4 triệu USD. Hiện tại, công ty cũng đang thiếu nguyên liệu đầu vào rất nhiều, đặc biệt là cây lùng (thiếu khoảng 500 tấn/tháng) và cây luồng (thiếu khoảng 300 tấn/tháng - tiêu chuẩn luồng già 5 năm), hiện giá thành cũng rất cao. Công ty mong muốn kết nối nguồn cung nguyên liệu đầu vào ổn định cho Công ty.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Xuân Thủy – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp Hà Nội cho hay, hiện tại nguồn cung nguyên liệu chính cho các làng nghề mây tre đan của Hà Nội là từ các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và một phần nhập khẩu từ nước ngoài.
Tuy nhiên, theo các DN sản xuất mây tre đan Hà Nội thì nguồn cung nguyên liệu đầu vào trong những năm qua chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch, quy mô nhỏ, sản lượng thấp, thường xuyên biến động về giá cả… đã tác động không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, đặc biệt là khi DN triển khai các đơn hàng lớn. Nhiều DN, cơ sở sản xuất do không tìm được nguồn cung nguồn nguyên liệu ổn định đã phải dừng một số đơn hàng XK có giá trị lớn.
Tìm đầu vào ổn định
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào, vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Kết nối cung, cầu nguyên liệu đầu vào ngành mây tre đan giữa DN Hà Nội với DN các tỉnh miền Trung.
Là địa phương có vùng nguyên liệu dồi dào, ông Bùi Trầm – Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, thống kê toàn tỉnh Nghệ An đến nay có hơn 112 nghìn ha rừng tre nứa, song mây. Mây tre đan là một trong những mặt hàng thủ công mỹ nghệ đang được tỉnh quan tâm và phát triển.
Tỉnh Nghệ An đã dành nhiều ngân sách ưu đãi như khuyến khích phát triển nguyên liệu mây tre đan, các ngành nghề nông thôn, phát triển khai thác nguyên liệu phục vụ sản xuất... Hội nghị này là cơ hội điều kiện cho các làng nghề của Nghệ An tìm được đầu ra, có hợp đồng sản xuất tiêu thụ sản phẩm mây tre đan Nghệ An. Đồng thời, là cơ hội để các DN Nghệ An kết nối với DN Hà Nội, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Là DN làm trong lĩnh vực mây tre đan tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nguyệt – Công ty TNHH sản xuất XNK hàng TCMN Thu Nguyệt chia sẻ: Bản thân DN bà nhiều khi cũng phải đối diện với việc thiếu nguyên liệu. Tham gia Hội nghị kết nối lần này, bà cũng mong muốn kết nối được với các DN của miền Trung, đặc biệt là các DN của Nghệ An bởi các nguyên liệu mây tre đan của Nghệ An có màu vàng tự nhiên, lâu bền, chất lượng tốt.
Theo các chuyên gia, ngoài việc đảm bảo đủ nguồn cung nguyên liệu đầu vào, để có thể phát triển ngành nghề mây tre đan một cách bền vững, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các làng nghề, người dân, DN và các cơ quan quản lý nhà nước để có thể đưa ra các giải pháp đồng bộ như quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng các trung tâm xử lý, bảo quản nguyên liệu và đổi mới mẫu mã sản phẩm.