Khả năng hấp thụ vốn của DN được cải thiện
Phó Thống đốc Đào Minh Tú dự và chỉ đạo hội nghị |
Tín dụng tăng, nợ xấu giảm
Giám đốc NHNN Đà Nẵng Võ Minh cho biết, những tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Nhìn chung hoạt động huy động vốn và cho vay đều đạt mức tăng trưởng tốt so với cuối năm 2016 và so với cùng kỳ; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, NHNN.
Mặt bằng lãi suất thị trường ổn định, một số chi nhánh TCTD giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Các TCTD trên địa bàn cũng tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; trong đó, cho vay Nghị định 67 là 96,7 tỷ đồng; Cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn là 3.450 tỷ đồng; Cho vay xây dựng nông thôn mới là 757 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm thị trường ngoại hối và thị trường vàng trên địa bàn cũng ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được các NHTM trên địa bàn đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Hoạt động thanh toán trong 6 tháng đầu năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng thẻ nội địa và quốc tế được phát hành tăng mạnh so với những năm trước đây. Đồng thời, các NHTM đã cung ứng thêm nhiều dịch vụ thanh toán dựa trên thẻ ngân hàng như thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, thanh toán trực tuyến,... với chất lượng dịch vụ ngày được cải thiện. Trong 6 tháng đầu năm, các TCTD trên địa bàn đã phát hành mới 285.092 thẻ nội địa và 39.815 thẻ quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Công tác xử lý nợ xấu cũng được các TCTD trên địa bàn triển khai quyết liệt theo đúng chỉ đạo của NHNN, đi đôi với đó các TCTD cũng rất chú trọng việc kiểm tra, kiểm soát nâng cao chất lượng tín dụng để ngằn ngừa nợ xấu mới phát sinh. Do đó, đến cuối tháng 6/2017, nợ quá hạn trên địa bàn chỉ khoảng 2.264 tỷ đồng, chiếm 2,15% trên tổng dư nợ; nợ xấu đến 31/5/2017 là 989 tỷ đồng, giảm 301 tỷ đồng so với cuối năm 2016, chiếm tỷ lệ 0,97% trên tổng dư nợ.
Phát triển du lịch đang là thế mạnh của Đà Nẵng |
Tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn tín dụng
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, NHNN chi nhánh Đà Nẵng đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai các giải pháp về tín dụng, lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN về chi phí vay vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh. Các TCTD trên cơ sở đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay và khả năng tài chính của mình đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay cho khách hàng. Hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là tiếp cận vốn tín dụng và giảm lãi suất cho vay…
Đặc biệt, các TCTD trên địa bàn cũng đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đến cuối quý 2/2017 các TCTD trên địa bàn đã cho vay hơn 5.829 tỷ đồng theo chương trình kết nối này cho 1.062 lượt doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các TCTD cũng tăng cường phối hợp cùng với Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng thành phố hỗ trợ cho các DN.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị đại diện các TCTD cũng nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Theo đó, hiện vốn trung, dài hạn chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong tổng nguồn vốn huy động (20,63%) chưa phù hợp quy mô của hoạt động cho vay trung dài hạn (chiếm 61,05% trên tổng dư nợ). Việc triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vẫn chưa đạt được kết quả tích cực do thiếu sự phối hợp của các Hiệp hội ngành nghề trên địa bàn. Công tác xử lý nợ xấu liên quan đến các cơ quan thi hành pháp luật mặc dù đã có nhiều cải thiện, song tiến độ xử lý vẫn còn chậm, nhất là đối với vụ việc liên quan đến phá sản của DN, tài sản liên quan đến các vụ án…
Việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các sở, ban, ngành liên quan trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để việc triển khai các chương trình được khơi thông và có hiệu quả. Tình trạng thiếu minh bạch của thị trường, của DN còn chưa được đẩy lùi, các hiện tượng gian lận thương mại, trốn thuế, khai gian thuế... vẫn còn phát sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là rủi ro tiềm ẩn đối với hoạt động tín dụng ngân hàng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của hệ thống ngân hàng Đà Nẵng những tháng đầu năm; đồng thời giải đáp các kiến nghị của đại diện các TCTD và DN.
Chia sẻ về định hướng điều hành của NHNN những tháng cuối năm, Phó thống đốc chỉ đạo, ngành Ngân hàng Đà Nẵng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa; đi đôi với với tăng trưởng tín dụng, hạ lãi suất, các TCTD trên địa bàn cần tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
"Thời gian tới, cùng với việc triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, các TCTD cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, có như vậy mới góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và đồng hành cùng DN", Phó thống đốc yêu cầu.
Đến 30/6/2017, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn Đà Nẵng đạt 103.784 tỷ đồng, tăng 5,73% so với cuối năm 2016. Trong đó vốn kỳ hạn từ dưới 12 tháng đạt 82.378 tỷ đồng, chiếm 79,37% trong tổng nguồn vốn, tăng 4,63% so với cuối năm 2016; vốn trên 12 tháng đạt 21.406 tỷ đồng, chiếm 20,63% trong tổng nguồn vốn, tăng 10,20% so với cuối năm 2016. Hoạt động cho vay 6 tháng đầu năm 2017 có mức tăng trưởng tốt, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp được cải thiện đáng kể. Dư nợ đến cuối tháng 6/2017 đạt 105.254 tỷ đồng, tăng 11,26% so với cuối năm 2016 và tăng 24,34% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn tăng 24,86%, dư nợ cho vay trung dài hạn tăng 24,02%; dư nợ cho vay bằng VND tăng 25,7%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ tăng 4,98%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục được tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng bất động sản và các lĩnh vực rủi ro khác được kiểm soát nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ vốn cho dự án nhà ở xã hội, các dự án phục vụ nhu cầu thực của người dân và tổ chức kinh tế. |