Khi khối ngoại dẫn lối BĐS
BĐS còn “hưng phấn” bao lâu? | |
Khoảng 80% khách hàng ở Hà Nội mua BĐS tại Phú Quốc | |
Bùng nổ BĐS nghỉ dưỡng cao cấp |
Chưa bao giờ làn sóng NĐT nước ngoài đổ xô vào thị trường BĐS Việt Nam, nhất là hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội lại sôi động đến thế. Không chỉ dừng lại ở các hoạt động đầu tư trực tiếp mà còn đến từ các hoạt động M&A và trải rộng trên khắp các phân khúc, từ căn hộ, bán lẻ, resort đến văn phòng.
Mới đây, một tập đoàn Nhật đã thâu tóm 70% cổ phần trong tòa nhà văn phòng A&B Tower có vị trí đắc địa ngay tại trung tâm quận 1. Thương vụ này có giá trị ước tính khoảng 47 triệu USD. Đây là thương vụ đáng chú ý bởi phân khúc văn phòng bấy lâu nay không phải là khẩu vị đầu tư ưa thích của các NĐT Nhật.
Ở phân khúc nghỉ dưỡng ven biển, NĐT Mỹ trong dự án Hồ Tràm Strip (Vũng Tàu) mới đổ thêm vào đây 75 triệu USD trong giai đoạn 2 của dự án, đưa tổng vốn đầu tư vào dự án này lên đến xấp xỉ 1 tỷ USD. Dự án này dự kiến có tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD và là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam.
Sau nhiều năm trì hoãn và thay đổi đối tác chiến lược liên tục, mới đây siêu dự án resort kết hợp với casino tại Nam Hội An (Quảng Nam) đã được quỹ đầu tư VinaCapital khởi công. Buổi lễ có sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với kỳ vọng dự án này sẽ góp phần thay đổi diện mạo ở một vùng quê nghèo và phát triển lĩnh vực du lịch nghĩ dưỡng ven biển Việt Nam.
Những thay đổi về mặt chính sách, trong đó cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, đã kích hoạt sự quan tâm của người mua nước ngoài. Theo chia sẻ của đại diện hãng tư vấn CBRE Việt Nam thì nhiều NĐT nước ngoài đã tích cực tham gia và tìm mua các căn hộ tại Việt Nam, nhất là các NĐT đến từ Singapore và Hong Kong – những thị trường đang chứng kiến BĐS bước vào giai đoạn điều chỉnh lớn do nhu cầu ngày càng ảm đạm.
Chủ động hơn, nhiều chủ đầu tư trong nước như Tiến Phước hay Phúc Khang đã mạnh dạn đem các dự án của mình giới thiệu với người mua nước ngoài và bước đầu khá thành công. Điển hình quỹ đầu tư Genesis Global Capital (Singapore) đã cam kết rót 300 triệu USD mua 30% sản phẩm tại dự án Diamond Lotus (Quận 8) của Phúc Khang. Trong khi quỹ đầu tư đến từ Anh là Pavio Capital đã cam kết rót hàng trăm triệu USD đồng hành với Công ty Nhà Thủ Đức để phát triển các dự án văn phòng cho thuê và khu dân cư.
Nhắc đến dòng vốn đầu tư của người nước ngoài không thể không nhắc đến bán đảo Thủ Thiêm. Vùng đất được mệnh danh sẽ trở thành Phú Mỹ Hưng thứ hai của TP.HCM tiếp tục hấp dẫn các NĐT ngoại với rất nhiều những dự án hạ tầng và khu dân cư khủng.
Đầu năm nay, NĐT Singapore là Keppel Land đã quyết định chi ra 93,9 triệu USD để thâu tóm 40% cổ phần trong liên doanh phát triển khu phức hợp Empire City có tổng vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD. UBND TP.HCM đã chính thức chấp thuận chỉ định Liên danh Tập đoàn Lotte và các công ty Nhật Bản thực hiện dự án Khu phức hợp thông minh tại Khu chức năng số 2a (Thủ Thiêm Eco Smart City) có tổng vốn đầu tư lên đến 2,2 tỷ USD.
Theo các nhà phân tích thị trường, địa ốc sẽ tiếp tục là điểm rót vốn của dòng vốn ngoại nhờ suất sinh lợi hấp dẫn của Việt Nam khi so sánh với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại như TPP, như chất xúc tác kích nhu cầu văn phòng cho thuê, khu công nghiệp, kho vận hay nhà để ở sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Sự tham gia của các NĐT ngoại có thể mang đến một diện mạo mới cho sự phát triển chung của thị trường bởi hầu hết họ có sức mạnh tài chính và kinh nghiệm triển khai hiệu quả. Đối với các NĐT trong nước, nhất là các dự án đang chậm tiến độ và vướng vào nợ nần thì dòng vốn ngoại thật sự là một cứu cánh cho thị trường BĐS.
Chẳng hạn, Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết trên địa bàn hiện có 1.409 dự án, trong đó 190 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư, hết hạn văn bản chủ trương đầu tư. Trong 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai thì có đến 405 dự án chưa khởi công, trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công. Như vậy, số lượng các dự án bị thu hồi, bị tạm ngưng thi công và chưa khởi công đã lên đến 692 dự án, chiếm 49,1% tổng số dự án. Đây là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường BĐS hiện nay.