Khi người nghèo gửi tiết kiệm
Tiết kiệm để trả nợ
Về thăm huyện Mường Ảng vào những ngày đầu năm, không khí xuân sắc tràn ngập trên những cánh rừng với hoa ban, hoa đào đang khoe sắc. Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ 45 km, so với nhiều huyện khác, Mường Ảng là vùng đất màu mỡ, phù hợp với việc phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các loại cây công nghiệp dài ngày cùng đàn gia súc và gia cầm.
Những năm vừa qua, nhờ có nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), mà Mường Ảng thêm thay da đổi thịt, phong trào vay vốn sản xuất được đẩy mạnh. Và, bà con cũng không quên tham gia chương trình gửi tiết kiệm của hộ nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), không những tạo thêm nguồn vốn cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay, mà còn tiết kiệm được tiền để trả nợ cho khoản vay đến hạn.
Tổ trưởng các Tổ TK&VV tại xã Búng Lao nộp tiền gửi tiết kiệm của tổ viên tại Điểm giao dịch NHCSXH |
Tham gia chương trình này, chỉ với 5.000 - 10.000 đồng, nhiều hộ nghèo đã tham gia tiền gửi tiết kiệm hàng tháng, góp phần tạo thêm nguồn vốn cho NHCSXH. Đơn cử như tại Bản Quyết Tiến 2, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng, nhiều năm liền cái đói nghèo cứ đeo bám người dân. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có việc thiếu vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Từ khi được tiếp cận với vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, cuộc sống của người dân đã dần thay đổi.
Năm 2011, Tổ TK&VV bản Quyết Tiến 2 được thành lập trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau vay vốn NHCSXH để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Tổ có 40 thành viên thực hiện 6 chương trình tín dụng chính sách với dư nợ trên 1 tỷ đồng. Các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ trả lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn.
Đến giờ, bà Đỗ Thị Tám - Tổ trưởng Tổ TK&VV bản Quyết Tiến 2 vẫn xem việc thành lập tổ TK&VV như một “cú hích” hỗ trợ cho việc xóa nghèo thêm hiệu quả. Bà chia sẻ: “Thời gian đầu, trong những lần sinh hoạt tổ, chúng tôi đã tuyên truyền cho bà con về ý nghĩa của vốn vay ưu đãi và việc tham gia gửi tiền tiết kiệm, qua đó đã tạo thói quen thực hành tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có giúp mọi người có thể chủ động hơn trong cuộc sống”.
Qua đó, gửi tiền tiết kiệm của hộ nghèo đã trở thành nề nếp trong hoạt động của tổ. Theo bà Tám, có hộ mỗi tháng gửi đến 100 nghìn đồng tiền tiết kiệm, còn theo quy ước của tổ là 50 nghìn đồng/tháng. Đến nay, số tiền tiết kiệm của tổ đã đạt 55 triệu đồng. Tuy con số này không nhiều, nhưng quan trọng là đã tạo được thói quen, ý thức, trách nhiệm của mọi người đối với bản thân cũng như quy định của tổ.
Gia đình chị Lò Thị Năm ở bản Xuân Món, xã Búng Lao là một trong những hộ khá tích cực tham gia gửi tiết kiệm người nghèo. Khi còn khó khăn, gia đình chị đã được NHCSXH huyện Mường Ảng cho vay vốn ưu đãi để sản xuất, vươn lên có cuộc sống ổn định. Nhờ chí thú làm ăn nên gia đình chị đã bớt nghèo.
Không những thế, chị Năm đã có tích lũy và tự nguyện gửi tiết kiệm bình quân 50 nghìn đồng/tháng. “Việc “tích tiểu thành đại” trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình trong việc trả nợ mỗi khi đến hạn” - chị Năm tâm sự.
100% hộ vay vốn tham gia
Không riêng gì gia đình chị Năm, mà với ý thức dành dụm và tích lũy, 36 tổ viên Tổ TK&VV bản Xuân Món, xã Búng Lao đã tham gia chương trình gửi tiết kiệm của hộ nghèo.
Chủ tịch UBND xã Búng Lao Lò Văn Bóng cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có 1.263 hộ với 18 thôn, bản. Và với mức tiền từ 10 nghìn đồng, thì chỉ có NHCSXH chấp nhận cho người dân gửi tiết kiệm.
“Mới đầu, mọi người cũng băn khoăn sợ không có hiệu quả, nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ tín dụng, mỗi thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm đều có tờ phiếu ghi và nhập vào sổ để quản lý. Dần thấy hiệu quả, nên bà con ngày càng tích cực tham gia” – ông Bóng chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện Mường Ảng đều thực hiện khá tốt chương trình gửi tiền tiết kiệm của hộ nghèo, thông qua Tổ TK&VV. Anh Lường Văn Phớ, ở bản Chan Nọ, xã Ẳng Tở vay vốn chương trình hộ nghèo từ NHCSXH huyện cho biết: “Được Tổ trưởng Tổ TK&VV tuyên truyền và vận động, hướng dẫn, tôi đã tham gia gửi tiền tiết kiệm tại tổ với số tiền 50.000 đồng/tháng. Số tiền hơn 2 triệu đồng từ vốn tiết kiệm đã giúp tôi giảm nhẹ gánh nặng trong việc trả nợ gốc và lãi”.
Giám đốc NHCSXH huyện Mường Ảng – ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết: “Việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Để triển khai, NHCSXH huyện đã quán triệt mục đích huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo nhằm từng bước tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có, quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính, đồng thời tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Mức tiền gửi tiết kiệm, thời gian gửi ở các Tổ TK&VV khác nhau, tùy theo quy ước ở các tổ nhưng tất cả đều phải được công khai với người dân.
Với những nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến các huyện, xã, thôn, chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo đã có những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn huyện Mường Ảng đã huy động được gần 4 tỷ đồng, trong đó số tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV là gần 2 tỷ đồng, với 100% hộ vay vốn đều có số dư tiền gửi tiết kiệm.
Ông Thắng cho biết, trong thời gian tới, NHCSXH huyện Mường Ảng sẽ tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới liên quan đến việc gửi tiền tiết kiệm để nâng cao nhận thức của người dân. Ngân hàng cũng tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến người dân về các chương trình cho vay ưu đãi, tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm, năng lực cán bộ lãnh đạo hội, đoàn thể nhận uỷ thác cấp xã nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.