Khi nhìn nhận về nợ xấu đã thay đổi
Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu: Cần bước đi mạnh mẽ, lộ trình hợp lý | |
Tăng quyền xử lý tài sản bảo đảm cho TCTD và VAMC | |
Ngân hàng phòng thủ nợ xấu |
Sau khi đưa ra dự thảo lần 1 Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu (XLNX) thì tuần qua NHNN chính thức thông tin về quá trình xây dựng cho dự thảo Luật này. Theo đó, đại diện của NHNN cho biết, cơ quan này đã thực hiện đánh giá tổng kết tái cơ cấu và XLNX và Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và XLNX hiện đang trong quá trình xin ý kiến để đưa ra Quốc hội vào tháng 5/2017 tới với tinh thần tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong XLNX, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định lãi suất.
Chưa bàn đến việc nội dung của dự thảo Luật này, nhưng với động thái được Quốc hội đồng ý xây dựng một Luật như vậy cho thấy sự thay đổi mạnh về cách nhìn nhận đối với vấn đề nợ xấu, dù có hơi chậm. Ngay từ kỳ họp thứ 3, thứ 4 của Quốc hội khóa XIII, nợ xấu đã được đặt lên bàn nghị sự, được nhìn nhận là vấn đề sẽ khiến nền kinh tế gặp khó khăn trong nhiều năm nếu không có giải pháp XLNX triệt để.
Ảnh minh họa |
Thực tế cho thấy một trong những khó khăn trong việc XLNX thời điểm đó nằm ở chỗ khá nhiều ý kiến cho rằng, nợ xấu là của ngành NH, là việc của NH với doanh nghiệp và với khách hàng. Chỉ đến khi vấn đề nợ xấu được phân tích, nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, thực tế hơn với sự ra đời của Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) thì tiến độ XLNX mới được cải thiện.
Tuy nhiên nợ xấu mặc dù đã được bán cho VAMC nhưng các TCTD vẫn phải tự xử lý bằng trích lập nguồn tài chính của mình. Chẳng hạn như Vietcombank cho biết đã mua lại toàn bộ hơn 4.300 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC để tự xử lý bằng nguồn lực tài chính của mình, vượt 3 năm so với kế hoạch đề ra, trở thành NH đầu tiên sạch nợ tại VAMC.
Một số nhà băng khác như VIB cũng vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, cho biết NH này đã mua lại 1.336 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC để thực hiện các biện pháp thu hồi và xử lý. Nhờ đó, dư nợ tại VAMC của VIB đã giảm 30%. SCB đã xử lý, thu hồi được hơn 3.000 tỷ đồng trong tổng số 17.000 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC…
Song, chúng ta cũng phải thừa nhận là việc XLNX vẫn chưa được như kỳ vọng. Các chuyên gia tài chính – NH cũng cho rằng, hiệu quả kinh doanh của các TCTD chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực XLNX, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều TCTD gặp khó khăn. Đặc biệt, chi phí dự phòng cao để hỗ trợ cho việc XLNX khiến việc giảm lãi suất cũng gặp khó khăn.
Nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh – TS. Trần Du Lịch là một trong số những đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế đầu tiên đề nghị phải có nghị quyết hoặc luật để giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu từng cho rằng, XLNX không phải là ngày một, ngày hai mà cả một quá trình và quan trọng nhất trao đổi với phóng viên Thời báo NH mới đây, theo ông Lịch, dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và XLNX phải tháo gỡ vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm, tạo thị trường mua bán nợ.
Những phân tích trên có thể thấy, sự thay đổi về cách nhìn nhận đối với nợ xấu đã thay đổi, đã cho thấy rằng, nợ xấu đã được nhìn nhận là vấn đề của cả nền kinh tế và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên phải được “luật hóa” và ban hành càng sớm, càng tốt.
Sự khẩn trương, cấp bách còn thể hiện ở chỗ ngay sau Thông báo số 18/TB-VPCP trung tuần tháng 1/2017 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Đề án tái cơ cấu, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của NHNN về việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và XLNX; đồng thời giao Bộ Tư pháp khẩn trương đăng ký nội dung Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Và đến nay, chỉ sau hơn 2 tháng dự thảo Luật đã được NHNN đưa ra lấy ý kiến và chuẩn bị tốt nhất trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV tới đây.
Với tầm quan trọng của một đạo luật, sự cấp thiết, cấp bách của thị trường, của nền kinh tế, chắc chắn khi dự thảo Luật này trình ra Quốc hội sẽ nhận được nhiều sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội để xây dựng một đạo Luật giải quyết được các tồn tại, vướng mắc nhằm khai thông nợ xấu, giúp nền kinh tế được vận hành tốt hơn.