Ngân hàng phòng thủ nợ xấu
VAMC muốn được tăng vốn | |
Sẽ có cơ chế đấu giá nợ xấu | |
Tìm cơ chế đột phá xử lý nợ xấu |
Cần nâng cao vai trò của thành viên độc lập
Dù đại án tại OceanBank chưa đến hồi kết, nhưng có thể nhận thấy nổi lên bất cập trong hoạt động NH này là do người nắm giữ vị trí cao nhất - Chủ tịch HĐQT quyết định mọi vấn đề. Nếu người giữ vị trí cao nhất NH này mắc phải sai lầm, hệ quả tất yếu là rủi ro đối với hoạt động của NH và rất nhiều người bị liên lụy theo phải gánh chịu.
Thực tế này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, ngay cả những tập đoàn lớn trên thế giới cũng đã vấp phải. Điển hình là trường hợp Tập đoàn Enron của Mỹ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Tập đoàn này chính là do tính độc lập của các thành viên HĐQT bị suy yếu, quản trị công ty trở nên lỏng lẻo đã đưa ra nhiều quyết định sai lầm. Chính sau sự sụp đổ của Tập đoàn này nước Mỹ đã ban hành Đạo luật Sarbanes-Oxley đưa ra nhiều quy định khắt khe về quản trị DN.
Các NH tích cực đưa ra nhiều giải pháp kiểm soát nợ xấu |
Tại nhiều nước trên thế giới, các thành viên độc lập được HĐQT tạo điều kiện để họ thật sự độc lập đối với thành viên khác nhằm đảm bảo việc suy xét và quyết định vấn đề một cách hiệu quả. “Thành viên HĐQT độc lập là người không có quan hệ lợi ích riêng tư, nên ý kiến của họ khách quan, bảo vệ lợi ích tổng thể chứ không vì riêng một hoặc một nhóm người nào. Cũng bởi sự khách quan này sẽ giúp HĐQT có những quyết định đúng đắn, công tâm, tránh được những điều tiếng thiên vị hoặc tư lợi riêng gây bức xúc thậm chí xung đột lợi ích trong cổ đông”, một chuyên gia đưa ra những dẫn chứng cho thấy vai trò của thành viên độc lập.
Tại Việt Nam, cũng khá nhiều NH “mời” những người có chuyên môn nghiệp vụ tốt làm thành viên độc lập HĐQT, nhưng thực tế cho thấy không phải thành viên độc lập nào cũng bảo vệ được quan điểm của mình trước HĐQT, bởi vai trò của họ chưa được coi trọng, nếu không nói là đang rất mờ nhạt.
Dĩ nhiên tiếng nói của họ cũng không có mấy trọng lượng để đủ tác động đến quyết định của HĐQT. “Có thể vì các NH cũng không coi vị trí này một chốt chặn những sai phạm. Chưa kể, theo quy định các thành viên độc lập HĐQT chỉ được làm việc một nhiệm kỳ tại NH càng giảm vai trò của họ. Thời gian 5 năm quá ngắn để thành viên độc lập thể hiện vai trò của mình. Chính vì thế các thành viên độc lập không có môi trường và khả năng thể hiện vai trò của họ” - một chuyên gia từng làm thành viên độc lập HĐQT NH chia sẻ và đề xuất: trong thời gian tới nên xem xét quy định để thành viên độc lập HĐQT NH được làm việc hai nhiệm kỳ tại NH.
Ngoài ra, việc cho phép hai thành viên độc lập trong HĐQT sẽ giúp cho tiếng nói của thành viên độc lập tăng thêm, có thể “tuýt còi” quyết định chưa chính xác của HĐQT là đề xuất của một CEO NH khác. Bởi quy định hiện tại chỉ có một thành viên độc lập rất dễ bị cô lập đối với các thành viên trong HĐQT. Như vậy, quyết định của HĐQT ngày càng mất đi tính khách quan.
Hạn chế rủi ro cách nào?
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng chung quan điểm NH phải tôn trọng các thể chế độc lập. Điều mà NH tự tin thực hiện các mục tiêu kế hoạch kinh doanh đó là từ HĐQT, Ban điều hành đều tuân thủ các quy trình quy định; tăng cường tính độc lập trong HĐQT để đảm bảo hoạt động NH công khai minh bạch hạn chế thấp nhất rủi ro phát sinh.
Ông Tùng dẫn chứng: trong hệ thống thẩm định phê duyệt cho vay của OCB hoàn toàn độc lập với bộ phận kinh doanh. Các đơn vị kinh doanh chỉ quản lý khoản nợ bình thường. Còn những khoản nợ có dấu hiệu xấu hoặc chuyển nợ nhóm 2 thì trung tâm xử lý nợ của NH trực tiếp quản lý có thể giám sát từ xa hoặc trực tiếp xử lý.
Với cách làm trên, NH quản lý chặt chẽ rủi ro từ khâu tiếp cận khách hàng đến sau cho vay, đảm bảo chất lượng tín dụng. Như vậy có thể nợ xấu được xử lý kịp thời ngay từ khi chỉ là dấu hiệu. “Các bộ phận đều độc lập sẽ hạn chế việc cán bộ đi đêm khách hàng, đồng thời đánh giá chính xác hiệu quả công việc”, ông Tùng bổ sung thêm.
Đối với SCB, giải pháp hàng đầu phòng thủ nợ xấu theo Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn là điều kiện tín dụng chặt chẽ. NH phải đánh giá chính xác tiềm năng dự án, định giá tài sản đảm bảo đúng, sau này trong trường hợp không may nợ xấu phát sinh, NH có đủ nguồn xử lý. Ngoài ra, theo ông Văn, NH còn nhiều kênh để hạn chế nợ xấu phát sinh như tăng cường vai trò ban kiểm soát về giám sát chung, còn quản lý rủi ro thì giám sát từng phần...
Quản lý chặt chẽ khách hàng từ khâu thẩm định đến trong quá trình giải ngân cho vay; tăng cường kiểm tra kiểm soát “hậu kiểm”… là giải pháp hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh của VietinBank được Tổng giám đốc Lê Đức Thọ tiết lộ.
Đánh giá về các giải pháp trên, một chuyên gia NH cho rằng điều này chỉ diễn ra suôn sẻ khi môi trường hoạt động thực sự minh bạch, tính kỷ luật của thị trường cao hơn. Và nếu chỉ riêng nỗ lực từ phía NH là chưa đủ. Vị này đề xuất, trong thời gian tới cơ quan quản lý cần để mắt tới các điểm nóng như sở hữu cổ phần, hạn chế tình trạng đứng tên hộ cổ phần…
Mặc dù, thời gian qua, NHNN đã có nhiều biện pháp quyết liệt siết sở hữu chéo, nhưng đây là vấn đề rất phức tạp không thể giải quyết một sớm một chiều. Song, cũng không thể để kéo dài được ảnh hưởng sự lành mạnh của hệ thống. Vì thế, cần có biện pháp mạnh răn đe để kiểm soát cổ đông thực làm sao các hình thức sở hữu cổ phần NH đều minh bạch, phản ánh đúng bản chất sự việc. Ví như, cổ đông nắm 5% cổ phần phải đúng 5% chứ không thể là 50% như đã từng diễn ra. “Vai trò thành viên độc lập cần được quan tâm hơn nữa để giám sát hoạt động NH giúp cho các cổ đông nhỏ lẻ giảm bớt thiệt hại”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.