Khi vốn ưu đãi phát huy hiệu quả
“Chất lính” được phát huy
Vốn là huyện đồng bằng lớn nhất của tỉnh Nghệ An, tỷ lệ hộ nghèo khá cao nhưng vài năm gần đây, Yên Thành đã và đang thay đổi từng ngày với những con đường bê-tông, đường nhựa trải dài các thôn, xã, nhiều ngôi nhà xây kiên cố khá đẹp, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của cả huyện cũng chỉ còn mức 5,94%.
Điểm giao dịch NHCSXH tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An |
Những thay đổi trên cho thấy, sự nỗ lực lớn của các cấp Đảng ủy, chính quyền và người dân ở vùng đất mà sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu này. Đồng hành cùng với thành công trên, có sự đóng góp của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Yên Thành trong nhiệm vụ giải ngân vốn tín dụng ưu đãi cho người dân.
Ông Phan Văn Tuyên – Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, NHCSXH huyện đóng góp vai trò rất lớn trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chính đồng vốn cho vay ưu đãi của NHCSXH đã giúp người dân, nhất là người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể, qua đó, tạo dựng niềm tin vào các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Một trong những mô hình kinh tế đang tạo dấu ấn ở Yên Thành là sản xuất chăn nuôi theo trang trại và gia trại, mà gia đình anh Đào Văn Tường – xóm Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thành với sự hỗ trợ của đồng vốn NHCSXH là một minh chứng. Là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương, anh Tường mang bao ấp ủ phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương mình.
“Lúc đầu chỉ chăn nuôi nhỏ, sau đó tôi tìm hiểu các thông tin trên sách báo, rồi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều mô hình trong tỉnh để mở rộng chăn nuôi theo mô hình trang trại” – anh Tường chia sẻ.
Đặc biệt, năm 2013, anh Tường được tiếp sức thêm khi vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH để bổ sung mua con giống, nâng cấp chuồng trại. Với sự hỗ trợ của NH, cùng sự chịu khó, ham học hỏi, hiện nay, gia đình anh Tường đã có cơ ngơi bề thế; trang trại của anh có 30 con lợn thịt, ao cá diện tích 7 ha với nhiều loại cá, 2.000 con vịt sinh sản và 2 lò ấp trứng.
Không chỉ tạo việc làm và thu nhập cho gia đình, mà anh còn tạo việc làm cho một số lao động địa phương. Mô hình trang trại của anh Tường đang tạo sự lan tỏa và được nhiều người trong tỉnh đến tham quan, học hỏi. Bản thân anh Tường cũng đã được Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh huyện Yên Thành khen thưởng nhiều năm liền là hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi.
Cũng là cựu chiến binh năm nay đã 64 tuổi, nhưng ông Trần Anh Thập - xóm Phì Nam, xã Vĩnh Thành vẫn luôn nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và trở thành một trong những hội viên Hội Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi. Chỉ 5 năm trước, ông Thập vẫn còn thuộc hộ nghèo, rồi vươn dần lên hộ cận nghèo. Năm 2014, từ 50 triệu đồng vay từ chương trình cho vay hộ cận nghèo của NHCSXH đã tiếp sức giúp gia đình ông Thập mạnh dạn mở rộng đầu tư vào ao thả cá với diện tích 4,5 ha.
Ao cá phát triển, có vốn, có thu nhập, mới đây ông Thập tiếp tục đầu tư 100 triệu đồng để kè bê tông quanh ao, đảm bảo tránh sụt lở, thất thoát đàn cá. Ông chia sẻ, nguồn vốn của NHCSXH có lãi suất khá hợp lý, giải ngân tại xã nên rất thuận lợi với các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo để tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả. Với thu nhập hiện nay mỗi tháng khoảng gần chục triệu đồng, ông Thập đã trở thành một trong những điển hình về sản xuất chăn nuôi ở xã Vĩnh Thành.
“Vốn vay của NHCSXH tại địa phương trong những năm qua phát huy hiệu quả rất tốt” - ông Trần Trọng Tiêm - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Vĩnh Thành khẳng định. Với một xã thuần nông, đồng chiêm trũng như Vĩnh Thành thì nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp người dân có điều kiện sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
“Dư nợ vốn vay NHCSXH ủy thác qua Hội Cựu chiến binh hiện nay khoảng 2,2 tỷ đồng, nhưng điểm đáng mừng là không có một đồng nợ xấu, nợ quá hạn nào” – ông Tiêm nhấn mạnh và chia sẻ thêm rằng: “Vốn ngân hàng đã tạo dựng được nhiều mô hình sản xuất kinh doanh, giúp kinh tế địa phương phát triển, tạo việc làm cho các cựu chiến binh và con em của họ”.
Nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi
Nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả cũng đồng nghĩa với sự hấp thụ vốn của Yên Thành khá tốt, dư nợ tín dụng tăng cao, nợ quá hạn giảm. Ông Phan Văn Tuyên – Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, năm 2003, dư nợ của NHCSXH Yên Thành chỉ khoảng 23 tỷ đồng, nhưng hiện nay đã tăng lên gần 600 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ngày càng giảm, hiện chỉ còn 1%. Sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Huyện ủy Yên Thành đã ban hành Chỉ thị 26 để triển khai đến các cơ sở Đảng.
Mặc dù ngân sách huyện rất khó khăn nhưng trong 3 năm trở lại đây cũng đã chuyển sang NHCSXH 500 triệu đồng để bổ sung vào nguồn vốn cho vay hộ nghèo tại địa phương. Ngoài ra, ngân sách từ các xã cũng đã chuyển được khoảng 200 triệu đồng để NHCSXH cho vay. Điều này cho thấy sự cố gắng của các ngành, các cấp trong huyện.
“Chúng tôi dự kiến, mỗi năm sẽ chuyển sang NHCSXH từ 200 - 300 triệu đồng với ý nghĩa vừa thực hiện Chỉ thị 40, đồng thời, chia sẻ động viên, thể hiện vai trò trách nhiệm của mình với công cuộc giảm nghèo” – ông Tuyên chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong thành công của hoạt động cho vay tín dụng ưu đãi không thể không nhắc đến sự quan tâm chỉ đạo của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Yên Thành. Với việc tổ chức họp đều đặn hàng quý, và hàng tháng lãnh đạo của Ban đại diện vẫn họp giao ban với chủ tịch các xã để đánh giá những vấn đề liên quan đến công tác tổ chức ủy thác cho vay; hay bình xét cho vay, hỗ trợ hướng dẫn sử dụng vốn vay từ địa phương để từ đó tháo gỡ vướng mắc. Ban đại diện HĐQT cũng xác định, giải quyết nợ quá hạn cũng là vấn đề quan tâm trọng điểm.
Thời gian tới đây, các cấp Đảng ủy, chính quyền địa phương huyện Yên Thành sẽ đẩy mạnh phối hợp với NHCSXH đưa nguồn vốn tập trung vào nông nghiệp, nông thôn, hộ cận nghèo, hộ nghèo, vốn cho vay giải quyết việc làm cho các trang trại, gia trại, đầu tư cho HSSV và các mô hình kinh tế, đảm bảo hiệu quả, kinh tế cũng như chất lượng tín dụng.