Khó kiểm soát hàng giả, kém chất lượng
Đội lốt doanh nghiệp bán hàng gian | |
Tràn lan mỹ phẩm giả |
Diễn biến phức tạp
Điều đáng nói, nhiều thương hiệu hàng hóa của Việt Nam bị các đối tượng làm ăn phi pháp làm giả, làm nhái gây thiệt hại cho DN và người tiêu dùng. Đơn cử, mặt hàng mũ bảo hiểm là mặt hàng bị vi phạm khá nhiều.
Nhiều hàng giả, hàng nhái đã được phát hiện và xử lý trên địa bàn Tây Nguyên thời gian qua |
Theo ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty thời trang Nón Sơn (TP. Hồ Chí Minh), DN này điêu đứng vì vấn nạn hàng giả. Trên thị trường, sản phẩm Nón Sơn giả có giá dao động từ 250-300 ngàn đồng/chiếc. Trong khi đó, hàng thật, đảm bảo chất lượng chính hiệu có giá 350-400 ngàn đồng/chiếc.
Còn theo CTCP Rượu bia nước giải khát Aroma, trên thị trường hiện nay, sản phẩm rượu của công ty bị làm giả và bày bán khá phổ biến, không những gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và thương hiệu của DN mà còn làm phương hại đến người tiêu dùng. Trước thực tế đó, nhiều năm nay, DN đã có những động thái tích cực để bảo vệ cho sản phẩm của mình.
Trước tình hình này, các cơ quan chức năng đã hành động tích cực để kiểm soát và hạn chế tối thiểu lượng hàng giả xâm nhập thị trường.
Đơn cử tại thị trường Đăk Lăk, chỉ trong những tháng đầu năm 2018, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã xử lý 22 vụ vi phạm về hàng giả, nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ. Đồng thời, phạt hành chính trên 187 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá gần 110 triệu đồng…
Cần đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk, các loại hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa giả mạo thương hiệu phổ biến lưu thông trên địa bàn chủ yếu là mũ bảo hiểm, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, máy tính, đồng hồ, rượu… Các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến. Trong đó, nổi bật là vi phạm sở hữu công nghiệp, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; vi phạm về các quy định về nhãn hiệu và quyền sở hữu trí tuệ.
Các chuyên gia nhận định, việc phát hiện, xử lý đối với các vi phạm còn nhiều hạn chế, bởi phải có kiểm định, đối chứng, giám định thì mới có thể có kết luận chính xác. Việc này đòi hỏi phải có thời gian, với sự tham gia của nhiều tổ chức và bản thân DN có hàng bị xâm phạm, nếu không nhận được sự hưởng ứng và phối hợp kịp thời của các bên liên quan sẽ gây ảnh hưởng đến công tác xử lý vụ việc.
Bên cạnh đó, nhiều quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả còn chồng chéo, trùng lặp trong nhiều văn bản, khiến cơ quan thực thi lúng túng trong việc xử lý hành vi vi phạm. Chẳng hạn, một số văn bản hiện hành chưa quy định rõ ràng về khái niệm hàng giả, có những điểm trùng với hàng xâm phạm sở hữu công nghiệp; hay cùng hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán hàng giả, nhái có thể được giải thích và xử lý khác nhau bởi các văn bản pháp luật khác nhau, gây khó khăn trong quá trình xử lý của lực lượng chức năng.
Để tăng cường việc xử lý hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và vận chuyển hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, cơ quan chức năng của các địa phương đã chủ động lên kế hoạch hành động. Trong đó, chú trọng thực hiện kiểm tra thị trường, xử lý các vụ vi phạm và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức đối với các cơ sở kinh doanh trong hoạt động thương mại.
Đồng thời, các chuyên gia cũng cho rằng, để giảm thiểu lượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xâm nhập thị trường gây phương hại đến người tiêu dùng, Ban chỉ đạo liên ngành 389 các địa phương cần phát huy vai trò nòng cốt, cùng với lực lượng chức năng chuyên trách như cơ quan quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế… thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến của thị trường.
Cùng đó, làm tốt công tác dự báo để đẩy mạnh triển khai các biện pháp phối hợp kiểm tra, kiểm soát giữa các địa phương lân cận, chủ động đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Có như vậy mới dần đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.