“Khoảng trống” trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn là thách thức | |
Thay đổi để tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu | |
Lợi ích từ hỗ trợ chuỗi cung ứng phát triển bền vững |
Ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương cho biết, tính đến nay Việt Nam đã tham gia ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, kết thúc đàm phán 1 hiệp định và đang tiếp tục đàm phán 3 hiệp định khác. Các hiệp định này đã và đang mở ra thị trường rộng lớn cho các DN đầu tư tại Việt Nam và là cơ hội lớn để sản phẩm Việt Nam xuất hiện tại nhiều thị trường lớn hơn trên thế giới.
Tuy nhiên, “Có thể nói, khoảng trống trong chuỗi cung ứng phụ trợ đối với các DN còn rất lớn”, ông Tài thông tin thêm.
Khoảng trống trong chuỗi cung ứng phụ trợ của các DN còn rất lớn |
Thời gian qua, khi tham gia đầu tư sản xuất tại thị trường Việt Nam, các DN ngoại đã tận dụng tốt các lợi thế về nhiều mặt để dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, các DN trong nước cũng có điều kiện thuận lợi để trở thành các DN cung ứng sản phẩm hỗ trợ, là mắt xích quan trọng cho các DN sản xuất đầu cuối trên thị trường. Ngoài ra, hiện nay việc nhiều DN lớn đang đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam như Samsung, LG, GE... đã tạo ra cơ hội lớn cho các DN trong nước tham gia chuỗi sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ DN ngoại có nhu cầu lớn về sử dụng nhà cung ứng tại chỗ là nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn do phải nhập khẩu sản phẩm phụ trợ, làm ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất…
Số liệu thống kê Bộ Công thương cho thấy, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) đóng góp đến 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 (244 tỷ USD) và phần lớn các DN FDI liên kết với nhà cung cấp nước ngoài. Trong khi, DNNVV chiếm 98% số DN tại Việt Nam nhưng chỉ có 21% số DN này liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan (30%), Malaysia (46%). Do tỷ lệ nội địa hóa thấp (mức độ nội địa hóa trung bình của Việt Nam khoảng 33%), nên mức độ tham gia của các DNNVV ở Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng thấp. Năm 2018, DN FDI tại Việt Nam đã phải nhập khẩu 47,1% đầu vào từ các DN ở nước mẹ.
Theo ông Ron Ashkin - Giám đốc dự án liên kết USAID cho các DNNVV, tiềm năng đầu tư sản xuất sản phẩm tại Việt Nam và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển bền vững là rất lớn. Tuy nhiên, các DN Việt vẫn chưa tận dụng được cơ hội do tỷ lệ nội địa hóa thấp, hiện chưa có nhiều DN trong nước đủ tiêu chuẩn, năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng của DN đầu cuối. Chỉ khi tỷ lệ nội địa hóa tăng cao đến chuẩn quốc tế, Việt Nam mới có thể thu được đầy đủ các lợi ích từ việc thu hút FDI và thúc đẩy xuất khẩu phát triển.
Bà Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, khó khăn của các DNNVV Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là không đáp ứng được yêu cầu về giá của DN nước ngoài do chi phí đầu vào cao, sản xuất chưa tinh gọn, chất lượng chưa đồng bộ, thiếu tiêu chuẩn quản lý phù hợp, thiếu kênh phân phối và năng lực thương mại hạn chế... dẫn đến việc khó “chen chân” được vào chuỗi cung ứng.
Để giải quyết được vấn đề này, các DN cần phải cải thiện năng lực để nâng cao tính cạnh tranh toàn cầu như đạt các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và theo lĩnh vực, tăng cường năng lực thương mại, quản trị, kết nối. Đồng thời, tìm kiếm các cơ hội từ thị trường thế giới và trong nước đối với các lĩnh vực như ô tô, điện tử, hàng không…