Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn là thách thức
Thay đổi để tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu | |
Lợi ích từ hỗ trợ chuỗi cung ứng phát triển bền vững | |
Ngành điện tử tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Thay đổi tư duy là tất yếu |
Khối ngoại vẫn áp đảo
Trên thực tế thời gian qua, DNNVV Việt Nam đã có những phát triển khá nhanh, tích cực hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, các DN có đầu tư công nghệ nhưng chỉ tiết giảm chi phí chứ chưa nâng cao thật sự đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thaco là một trong những DN thực sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu |
Cùng với quá trình toàn cầu hóa và sự đổ bộ ngày càng nhiều của các DN FDI tại Việt Nam, trong đó có các tập đoàn đa quốc gia, các DN nghiệp lớn trên thế giới đã tạo nhiều cơ hội cho các DNNVV trong nước hợp tác đầu tư. DN Việt Nam cũng từng bước phát triển quy mô và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đang đặt ra những điều kiện chặt chẽ về chuyển giao công nghệ trong quá trình hợp tác với DN FDI.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý I/2019, thu hút FDI đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 3 năm trở lại đây. Theo đó đã có 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong quý I/2019, cả nước có 785 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 3,82 tỷ USD, tăng 80,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Cần chọn hướng đi đúng
Hiện nay, nhiều DN Việt Nam đã trở thành đơn vị đối tác, cung cấp các sản phẩm phụ trợ cho các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Honda, Yamaha… Theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, năm 2019 sẽ có khoảng 42 doanh nghiệp làm nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung trong khi năm 2020 sẽ tăng lên 50 doanh nghiệp. Số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm ngoái lên 170 doanh nghiệp trong năm nay. Như vậy, đến nay đã có khoảng 210 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cho Samsung, không chỉ trong các lĩnh vực bao bì, in ấn mà còn về tự động hóa, thiết bị, linh kiện nhựa... với tỉ lệ nội địa hóa là 57%.
Ông Choi Joo Ho cũng khẳng định, tiềm năng hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam với Samsung còn rất lớn.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến 2020, tầm nhìn đến 2030 của Bộ Công thương, thì mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên khoảng 2.000 DN. |
Theo các chuyên gia, việc các DN nội đạt tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu minh chứng cho sự phát triển và bắt kịp xu thế ngày càng nhanh của DN. Tuy nhiện tỷ lệ này vẫn đang còn ở mức thấp so với khu vực. Theo thống kê của Bộ Công thương, cả nước hiện có 1.800 DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT), nhưng chỉ có khoảng 300 DN tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN đa quốc gia.
Trên thực tế, các DN Việt Nam đa số là DNNVV với quy mô và năng lực hạn chế. Việc thiếu vốn đầu tư cho công nghệ mới đang là hạn chế lớn nhất của các DNNVV, làm giảm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, các DN FDI thường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp và tiến độ giao hàng và rất nhiều DN Việt Nam chưa đáp ứng được.
Theo Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Samsung, Canon, Panasonic… không ngừng mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam tạo cơ hội cho các DN Việt Nam đẩy mạnh sản xuất sản phẩm CNHT cho ngành điện tử. Tuy nhiên, số lượng DN nội địa thuộc lĩnh vực CNHT của ngành điện tử đã và đang là nhà cung cấp cho các DN FDI không nhiều. Một phần do hạn chế của nội tại của các DN, mặt khác do sự hiểu biết giữa 2 phía còn hạn chế, và việc kết nối giữa các DN FDI với DN nội địa chưa chặt chẽ. Chính vì thế, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, các DN cũng rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương, đến cơ quan địa phương, tới hiệp hội ngành hàng để có thể hội đủ điều kiện và năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhấn mạnh, trong cuộc CMCN 4.0, chỉ có tự tin và chủ động trong tiếp cận với DN lớn, tập đoàn đa quốc gia để tạo mối quan hệ hợp tác trong ký kết và thực hiện hợp đồng, từng bước tạo chỗ đứng trong chuỗi cung ứng sản phẩm của từng tập đoàn là con đường dẫn tới thành công của các DN hiện nay. Đồng thời Nhà nước, các bộ ngành cũng có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển và khuyến khích các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.