Thay đổi để tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu
Việt Nam cần có chính sách thu hút FDI ‘thế hệ mới’ | |
Thu hút FDI: Không còn ham số lượng | |
FDI “mở hàng” thuận lợi |
Ngày 14/2, tại Hội nghị tham vấn, định hướng, hoàn thiện thể chế về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu các địa phương, chuyên gia góp ý để Chính phủ hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút, sử dụng FDI để từng bước đưa sản phẩm Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cần có chiến lược thu hút FDI thế hệ mới để huy động nguồn lực, thúc đẩy liên kết giữa DN nội địa và DN FDI |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2018, Việt Nam có gần 27.400 dự án FDI đang hoạt động đến từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư cam kết tới 340 tỷ USD; trong đó đã thực hiện hơn 191 tỷ USD. Sau hơn 30 năm, kết quả thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI đang là một minh chứng về thành tựu đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Vốn FDI là nguồn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, gia tăng năng lực sản xuất; từng bước đưa sản phẩm của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu...
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết, hiện tỉnh đã thu hút trên 3.500 dự án FDI từ 64 quốc gia vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 32,5 tỷ đô la Mỹ, trở thành địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn FDI. Năm 2016, tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn đổi mới mô hình phát triển, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, hình thành động lực tăng trưởng mới cho sự phát triển bền vững thông qua việc ban hành đề án “Thành phố thông minh – Bình Dương”.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - một trong những địa phương đi đầu trong thu hút vốn FDI cho biết, trong năm 2018, TP.HCM thu hút được 7,63 tỷ USD (tăng 15,59% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2017). Tuy nhiên, ông Liêm nhấn mạnh, trong giai đoạn 2000-2017, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vẫn có tỷ lệ tăng áp đảo so với vốn FDI khi tăng 33 lần từ 7.400 tỷ đồng lên 250.000 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư của khu vực FDI chỉ tăng 7,45 lần (từ 7.600 tỷ đồng lên 56.000 tỷ đồng).
Trên thực tế, sự phát triển của khu vực FDI đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế thông qua thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất ở khu vực DN trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút và sử dụng vốn FDI thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như liên kết của khu vực FDI với khu vực DN trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao, chuyển giao công nghệ từ DN FDI chưa đạt hiệu quả mong muốn. Thậm chí, FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn còn hạn chế; một số dự án FDI chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến nhanh chóng và phức tạp, xuất hiện những nhân tố mới có tầm ảnh hưởng sâu, rộng, kéo theo việc thay đổi chính sách của nhiều quốc gia, nhiều nền kinh tế lớn, đặt ra yêu cầu cho Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng thu hút, sử dụng FDI, gắn kết FDI với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. “Chính vì vậy, Chính phủ mong muốn có những đề xuất về những mục tiêu, định hướng cụ thể, hiến kế giúp Chính phủ hoàn thiện thể chế chính sách thu hút FDI”, Phó Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề.
Giáo sư Young Sup Joo - nguyên Bộ trưởng Bộ DNVVN Hàn Quốc góp ý về việc thay đổi mô hình FDI dựa vào hợp tác nghiên cứu và phát triển và công nghệ. Việt Nam cần phải phát triển mô hình kinh doanh theo chiều ngang với các đối tác FDI để thu hút vốn dài hạn. Hiện nay, Việt Nam vẫn thu hút vốn FDI dựa vào giá công nhân rẻ, với vai trò nhà thầu phụ và vốn thu hút ngắn hạn. Tới đây, một mô hình thu hút FDI mới sẽ biến DN Việt Nam thành đối tác có mặt ở tất cả công đoạn của chuỗi cung ứng. Để làm được điều này, Việt Nam cần có những chính sách mở rộng hợp tác toàn cầu về nghiên cứu phát triển.
Trong khi đó, ông Kyle Kelhofer - Giám đốc quốc gia của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam đưa ra cái nhìn rất thẳng thắn về mảng FDI, ông cho rằng Việt Nam cần tối đa hóa cơ hội tài chính, cũng là tối đa hóa cơ hội đầu tư. Hiện nay, dòng đầu tư FDI vào Việt Nam đang mạnh lên nhưng giá trị gia tăng không tăng. Điều này do FDI đổ vào nguồn sản xuất nhiều hơn vào những lĩnh vực giá trị gia tăng cao. Do đó cần đổi mới toàn diện, đáp ứng theo xu hướng toàn cầu. Hiện Việt Nam chỉ phát triển FDI ở hoạt động lắp ráp và sản xuất, và cần có chiến lược thu hút FDI thế hệ mới để huy động nguồn lực, cũng như thúc đẩy liên kết giữa DN nội địa và DN FDI để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước. Việt Nam cần tập trung thu hút vốn FDI ở các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương và các chuyên gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ xây dựng những chuẩn mực về chính sách cho DN FDI; cùng với đó, TP.HCM cần có những chính sách thu hút đầu tư đặc trưng. Trong thời gian tới, sẽ kêu gọi các tập đoàn đa quốc gia xây dựng các trung tâm tài chính cũng như đặt trụ sở điều hành hoặc trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam. Chính phủ sẽ có những thay đổi trong chiến lược đầu tư, thay đổi công cụ marketing để thu hút các nhà đầu tư dài hạn dựa trên hiệu quả và tập trung vào các lĩnh vực giá trị gia tăng cao...
“Chính phủ sẽ có chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm những điều kiện vô lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước và cả DN nước ngoài. Các chính sách sẽ phải minh bạch hơn, thuận lợi hơn cho các DN”, Phó Thủ tướng nhận định.