Không dùng lợi nhuận để đánh bóng
NCB đặt kế hoạch 171 tỷ đồng lợi nhuận năm 2016 | |
Kienlongbank đặt kế hoạch lợi nhuận 300 tỷ đồng | |
TPBank đặt mục tiêu tổng tài sản trên 91 nghìn tỷ đồng trong năm 2016 |
Vượt qua giai đoạn tái cơ cấu 2011-2015 với nhiều thành công, năm nay đa số NHTM đều lạc quan về lợi nhuận thu được, nhất là khi bức tranh lợi nhuận nối sang từ năm 2015 đã có những điểm sáng chấm phá.
Nửa chặng đường của 2016 đã đi qua, một số NH đã công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm với những con số khả quan. Chỉ tính riêng nhóm những “ông lớn” thì đều có lợi nhuận khá ấn tượng như: Vietcombank đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ; BIDV lợi nhuận trước thuế cũng tăng 20% so với cùng kỳ năm trước với 3.600 tỷ đồng; dẫn đầu là VietinBank với 4.273 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Ở khối các NHTM, TPBank đạt 205 tỷ đồng sau khi trích lập dự phòng rủi ro (DPRR)...
Trích lập DPRR đúng, đủ là lá chắn cho NH trước nhiều biến động |
Lợi nhuận tăng phần nhiều do tín dụng thời gian qua tăng trưởng tương đối tốt. Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 28/6/2016, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,16% (cùng kỳ năm 2015 chỉ tăng 7,08%). Song theo một chuyên gia tài chính, mức độ lợi nhuận của NH phải xem đó là con số trước hay sau khi trích lập DPRR thì mới có một đánh giá xác thực về bức tranh lợi nhuận của NH. Và trích lập DPRR cũng đang nằm trong suy tính của các NHTM.
Trên thực tế, trích lập DPRR được dự báo vẫn sẽ là áp lực đối với lợi nhuận chung của toàn Ngành năm 2016. Chẳng hạn chi phí DPRR tín dụng của BIDV ở quý I/2016 đã tăng lên gần 2.000 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận của NH này giảm 10% so với quý I/2015. VietinBank cũng đã trích 1.441 tỷ đồng cho DPRR ở 3 tháng đầu năm 2016. Eximbank cũng là một trong những trường hợp trích lập DPRR khá lớn, lợi nhuận của NH này quý I/2016 đạt 921 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn 24 tỷ đồng, với trích lập DPRR tín dụng đã “ngốn” mất 337 tỷ đồng.
Chính vì vậy, nếu như trước kia một số NH rất hào hứng “khoe” thành tích lợi nhuận của mình đạt được sau mỗi quý, mỗi năm, vì cho đó là một trong những dấu hiệu biểu hiện một NH phát triển mạnh mẽ, qua đó sẽ thu hút được thêm khách hàng, gia tăng được thị phần và tầm ảnh hưởng trên thị trường… thì hiện tại điều này vẫn đúng, nhưng chưa đủ. Các nhà băng đang dần tháo bỏ suy nghĩ chạy đua lợi nhuận, thay vào đó là biết và hiểu “cơ thể” của mình “khoẻ” tới đâu để đề ra những mục tiêu vừa sức, quan tâm nhiều hơn đến chuyện tính đúng, tính đủ cho trích lập DPRR.
Đơn cử, mục tiêu lợi nhuận của VietinBank năm nay là 7.900 tỷ đồng, chỉ tăng cỡ 8% so với năm 2015. Trong Đại hội cổ đông thường niên diễn ra tháng 3 vừa qua, Ban điều hành VPBank cũng đã dự kiến DPRR tăng 70% để theo thông lệ quốc tế, nên mức lợi nhuận mục tiêu mà NH này đưa ra chỉ là 3.200 tỷ đồng. Còn Vietcombank dự kiến sẽ dành 5.500 tỷ đồng cho trích lập DPRR trong năm nay.
Trích lập DPRR của các TCTD tăng lên những năm gần đây phần nhiều do họ phải thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và nhất là thực hiện các quy định về an toàn trong hoạt động theo yêu cầu của NHNN với xu hướng ngày càng khắt khe, tiệm cận chuẩn mực chung của thế giới. Lãnh đạo một NHTM chia sẻ: Các NH đều đang có sự thận trọng hơn trong hoạt động để kiểm soát rủi ro tốt hơn, trích lập DPRR không quá lệch so với mục tiêu đề ra. Như vậy đồng nghĩa với việc mỗi NH phải khắt khe hơn trong lựa chọn khách hàng, nâng cao chất lượng tín dụng...
Giờ cũng không phải là lúc các NH có thể “đánh bóng” nhờ con số về lợi nhuận. Vì thế cổ đông của các NH cũng phải xác định ưu tiên cho trích lập DPRR, thậm chí đồng thuận với việc tăng chi phí cho vấn đề này nếu muốn NH phát triển bền vững.
Áp dụng Basel II hiện đang được coi là điều kiện cần và đủ để mỗi NH tiệm cận gần hơn với những tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về quản lý rủi ro. Basel II không chỉ cho phép các TCTD đánh giá được rủi ro hoạt động của mình, mà nó còn làm nhiệm vụ lượng hoá rủi ro bằng con số cụ thể để các nhà quản trị NH đánh giá được mức độ và khẩu vị rủi ro của đơn vị mình. Từ đó những rủi ro trong tương lai cũng có cơ sở để phòng ngừa hiệu quả hơn.
Thực hiện Basel II đúng chuẩn, các NH sẽ bớt nặng gánh khi phải “đau đầu” tính toán con số trích lập DPRR, hạn chế rơi vào tình trạng “chỗ thừa, chỗ thiếu” khiến chi phí bỏ ra không thoả đáng.
Trích lập DPRR sẽ khiến cho lợi nhuận bớt phần “rực rỡ” hơn và ít tính đột biến. Nhưng đổi lại, về lâu dài thì đây là tấm lá chắn của NH trước những biến động khó lường trên thị trường tài chính. DPRR tăng, cũng không vì thế mà lợi nhuận NH 6 tháng cuối năm bị sa sút đi, khi tín dụng vẫn đang trên đà tăng tốt. Và NH vẫn có thể tăng lợi nhuận từ việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, cân đối chi phí với các khoản đầu tư...