Không nên “lo xa” với quy định cho vay mới
Lợi ích người đi vay vẫn được đảm bảo | |
Những thay đổi cơ bản của cơ chế cho vay mới theo Thông tư 39 | |
Nắm quy luật, để không bị thiệt khi vay tiêu dùng |
Trong tuần qua, thị trường tiền tệ được người dân khá quan tâm tới những thông tin liên quan về quy định chủ thể được vay vốn ở các tổ chức tín dụng, ngân hàng (NH) theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Quy định này khác với Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN chủ thể được vay vốn bao gồm: tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, bao gồm cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác và các tổ chức khác có năng lực pháp luật dân sự.
Ảnh minh họa |
Sở dĩ vấn đề “ai sẽ được vay vốn NH?” được quan tâm đặc biệt là bởi hiện nay trên thị trường tài chính tiền tệ “kênh” dẫn vốn từ NH tới người dân vẫn đặc biệt quan trọng, nhất là theo thống kê hiện cả nước có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh thuộc diện này.
Thậm chí từ những quy định mới của Thông tư 39 không ít diễn đàn còn hiểu sai hay cố tình hiểu sai rằng, NHNN muốn qua chính sách này để “bắt” các hộ kinh doanh phải đăng ký thành lập doanh nghiệp để hoàn thành mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Cũng có người băn khoăn và “lo xa” rằng, khi chủ thể vay vốn được quy định như vậy thì lãi suất cho vay có thể cũng thay đổi.
Tất nhiên, nâng cấp từ hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp nếu thấy đủ điều kiện là cái tốt. Vì dù sao trở thành doanh nghiệp thì ít nhiều năng lực về quản trị cũng được nâng lên, doanh nghiệp hoạt động chiến lược bài bản hơn, tạo cơ hội lớn để phát triển sản xuất kinh doanh bền vững.
Nhưng chủ đích của cơ quan quản lý khi ban hành Thông tư 39 là triển khai theo các quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015, có hiệu lực từ 1/1/2017 chứ không phải là “bắt” thành lập doanh nghiệp. Hay nói cách khác là quy định về chủ thể tham gia quan hệ dân sự (bao gồm cả hợp đồng vay vốn) chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân đã được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho biết, trong tuần qua ông nhận được khá nhiều câu hỏi này từ cả phía giới truyền thông và nhiều người vay vốn. Và theo cách giải thích khá cặn kẽ của vị luật sư này thì hiểu rằng, nếu trước đây đối với hộ gia đình hay hộ kinh doanh, chỉ cần chủ hộ gia đình hoặc chủ hộ kinh doanh đại diện hộ ký hợp đồng vay vốn với NH, còn từ ngày 15/3/2017 khi Thông tư 39 có hiệu lực, nếu hộ gia đình hay hộ kinh doanh có một thành viên thì chỉ cần một người duy nhất ký hợp đồng với NH. Trong trường hợp hộ kinh doanh đó có 3 hay 5 thành viên thì tất cả các thành viên đều phải ký; Hoặc một người đứng tên đến ký hợp đồng vay vốn với NH và những người khác có giấy ủy quyền cho người đó.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Tài chính - ngân hàng, thì đây là sự điều chỉnh đúng mực, trước kia là hộ gia đình thì phải có người đại diện của hộ gia đình đứng ra ký hợp đồng vay vốn với NH. Việc thay đổi này giúp cho tính chất pháp lý của người đi vay rõ ràng hơn và đối với người đi vay thể hiện rõ trách nhiệm hơn.
Mặc dù, việc điều chỉnh này của Thông tư 39 có thể tạo ra sự băn khoăn nào đó nhưng xét toàn diện thì có lợi cho cả hai bên (người cho vay và người vay). Thời gian tới, không chỉ hợp đồng vay vốn mà tất cả hợp đồng dân sự đều không còn chủ thể giao dịch là hộ mà các hợp đồng dân sự như hợp đồng mua bán tài sản nếu ký với hộ sẽ trở thành vô hiệu vì chủ thể này không đúng với Bộ Luật Dân sự 2015.
Cũng để làm rõ hơn các quy định mới tại Thông tư 39, chia sẻ với phóng viên, ông Đoàn Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN) khẳng định: việc kinh doanh của hộ gia đình do không còn tư cách chủ thể, nhưng các cá nhân vẫn có thể vay vốn kinh doanh với tư cách của chính cá nhân này. Và về nguyên tắc thì hệ thống NH vẫn đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho nhu cầu kinh doanh của các cá nhân.
“Về lãi suất cho vay của các NH cũng không phụ thuộc vào tư cách pháp nhân vay vốn mà thường phụ thuộc vào mục đích vay vốn, sử dụng vốn vào mục đích kinh doanh hay tiêu dùng; phụ thuộc vào dự án vay vốn. Hệ thống NH không phân biệt áp lãi suất khác nhau khi thay đổi chủ thể cho vay này” – ông Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh.