Không ngại thiếu cơ hội
EVFTA: Thời cơ chín muồi để tranh thủ lợi thế | |
Sát cánh cùng doanh nghiệp hội nhập | |
Sửa đổi để thực thi TPP | |
Quy tắc xuất xứ và nước cờ hội nhập TPP |
Thách thức đã cận kề
Vô số cơ hội được mở ra khi Việt Nam hoàn tất đàm phàn và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) là điều đến nay ai cũng biết. Nhưng trong khi cơ hội vẫn đang ở phía trước thì rủi ro, thách thức dường như đã rất gần.
Hội thảo ngày 15/6 về cơ hội từ các hiệp định tự do thế hệ mới |
Bởi dẫu rằng TPP hay EVFTA đã mở ra một đại lộ thênh thang cho Việt Nam, nhưng cỗ xe kinh tế Việt Nam cần và phải được chuẩn bị như thế nào để đi trên con đường ấy mà không gặp phải quá nhiều chông gai, trong khi vẫn hiện thực hóa được các cơ hội là vấn đề cần được mổ sẻ.
Hội thảo “Việt Nam: Nắm bắt cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Công Thương tổ chức sáng 15/6 chính là một dịp để mổ sẻ nỗi trăn trở ấy.
Phát biểu tại hội thảo này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc đàm phán thành công các FTA thế hệ mới là thành quả rất đáng ghi nhận. Nhưng cơ hội vẫn đang nằm trên các văn bản hiệp định, còn rủi ro, thách thức có vẻ đã hiện hữu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực chuẩn bị để có một tâm thế vững chắc để có thể hội nhập thành công.
“Chính phủ Việt Nam đang làm hết sức mình để ổn định KTVM, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế tổng thể với những vấn đề trọng tâm như: Tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu thu chi ngân sách, bảo đảm bền vững an toàn nợ công, tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… Đây sẽ là điều kiện quan trọng để Việt Nam hội nhập thành công” – Phó Thủ tướng khẳng định.
“Hội nhập khu vực và toàn cầu đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam. Với TPP và EVFTA, Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn là có thể khai thác tối đa lợi ích mà các hiệp định này mang lại. Nhưng song hành với đó cũng là các thách thức đáng kể và nếu không thực hiện cam kết một cách thận trọng thì các lợi ích sẽ bị bỏ lỡ” - Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB kỳ vọng đồng thời cảnh báo.
Bởi theo bà Kwakwa, hai hiệp định nêu trên không chỉ đề cập đến vấn đề thâm nhập thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư truyền thống mà còn đề cập cả đến những vấn đề mới chưa từng được nhắc đến hoặc chưa được giải quyết thấu đáo trong các hiệp định ký kết trong khuôn khổ WTO như: Thương mại điện tử, lao động, mội trường, DNNVV, DNNN và làm sao hài hòa chính sách.
Hơn nữa, các hiệp định mới này cũng thiết lập các luật chơi quốc tế và các luật chơi đó sẽ tác động mạnh hơn lên các chính sách và thể chế so với bất kỳ FTA nào mà Việt Nam đã ký trước đây.
Cần nỗ lực từ nhiều phía
Mối lo các cơ hội sẽ bị bỏ lỡ dường như cũng toát lên xuyên suốt trong các quan điểm trình bày của các diễn giả, chuyên gia tại hội thảo này. Không lo sao được khi cơ hội và thách thức luôn đan xen nhau. Trong đó, dù cơ hội đã mười mươi gõ cửa nhưng ngay sau đó vẫn có rủi ro rình rập.
Ngược lại dù rất rủi ro, thách thức (như đối với ngành chăn nuôi khi gia nhập TPP) thì nếu quyết tâm thay đổi, tái cơ cấu sẽ vẫn có cơ hội thành công. Thế nên không phải bỗng dưng mà các chuyên gia luôn nhấn mạnh rằng, việc nắm bắt được hay không là do chính Việt Nam. Trong đó về mặt Nhà nước, việc tạo dựng được môi trường kinh doanh (MTKD) bình đẳng, tạo thuận lợi và đảm bảo sự công bằng là yêu cầu tiên quyết để tận dụng được các cơ hội.
“Lâu nay chúng ta đã có những nỗ lực để cải thiện trong MTKD, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách rất xa giữa lời nói và việc làm. Chúng ta cần giảm khoảng cách này để thực sự cải thiện tốt hơn MTKD” – Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) lưu ý.
TS. Cung đơn cử trong vấn đề tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa DNNN và DN tư nhân, DN trong nước và DN nước ngoài nếu nhìn trên văn bản pháp luật thì không thấy có sự phân biệt nhưng nhìn vào vận hành thực tế lại có vô cùng nhiều. Hay để giảm rào cản, rủi ro cho MTKD thì phải đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD).
Tuy nhiên việc giảm ĐKKD mà chúng ta làm hiện nay mới là “hợp pháp hóa” chứ không phải là làm cho nó tốt lên. Như vậy là chúng ta sẽ bỏ qua mất một cơ hội để cải thiện MTKD. Nên một trong những mấu chốt là Nhà nước phải tập trung cải cách thể chế và cải thiện MTKD.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, hai hiệp định này cũng như nếu có đến mấy chục FTA nữa thì cũng không thể nào đóng vai trò chính.
“Vai trò chính phải xuất phát từ trong nước, phải từ quyết tâm của Việt Nam trong việc ổn định KTVM, tạo ra MTKD thuận lợi và cương quyết chuyển từ lấy “quản lý” Nhà nước làm đầu sang kiến tạo làm đầu” – ông Khánh nói.
Cũng theo ông Trần Quốc Khánh – người giữ vai trò Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về hội nhập kinh tế thương mại quốc tế và là Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam tham gia đàm phán TPP, nếu như hội nhập kinh tế chỉ mang lại lợi ích cho các tập đoàn đa quốc gia, cho các DN lớn thì đó là một thất bại. “Hội nhập ấy phải lôi kéo, gắn kết được các DNNVV vào tiến trình này, cho họ thấy được lợi ích của tiến trình đó” – Thứ trưởng Khánh cho biết.
Nhưng điều đó cũng đặt cộng đồng DN trước áp lực phải thay đổi chứ không chỉ nghe, biết về các FTA rồi “nằm yên” chờ chính sách. Một khảo sát của VCCI tiến hành vào tháng 4 vừa qua trên mẫu ngẫu nhiên 1.500 DN sản xuất (với 250 DN có ý kiến phản hồi) ghi nhận kết quả đáng chú ý: Có 88,16% trong số DN phản hồi nói đã biết về TPP; 83% DN biết về EVFTA tức là tăng lên nhanh chóng so với trước đây.
Đồng thời nhiều DN cũng bắt đầu hành động để nắm bắt cơ hội, thể hiện ở tỷ lệ 88% DN có kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong 3 năm tới. Các khía cạnh mà các DN sẽ tập trung vào là nâng cao chất lượng sản phẩm, tận dụng công nghệ và cải thiện tiếp cận các thị trường mới.
Tuy nhiên cũng theo khảo sát này, các khía cạnh mà họ ít tập trung nhất là chuyển đổi sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng, đạt được những tiêu chuẩn lao động quốc tế và tham gia chuỗi lĩnh vực sản xuất mới.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI, điều đó cho thấy các DN đã biết về các hiệp định hơn nhưng vẫn chưa sẵn sàng cho việc tận dụng các cơ hội.
“Khảo sát cho thấy các DN đang chú ý nhiều hơn tới việc điều chỉnh để tận dụng cơ hội, thay vì quyết tâm thay đổi để nắm bắt cơ hội” – bà Trang nhận định, đồng thời cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ tốt hơn của các cơ quan nhà nước (trong việc giúp các DN hiểu về các cam kết và cải thiện MTKD và chính sách) thì các DN cần chủ động thay đổi chính mình trong nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh.