Quy tắc xuất xứ và nước cờ hội nhập TPP
Phải giải được bài toán “lan tỏa” trong thu hút FDI | |
Chuẩn bị trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP | |
TPP và các cam kết trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam |
Yếu điểm trong TPP nhưng cũng là điểm yếu trong sản xuất kinh doanh của các DN Việt Nam hiện nay chính là quy tắc xuất xứ. Hàm lượng giá trị sản xuất khu vực đang trở thành bài toán nan giải với những ngành nghề được coi là hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.
Yếu điểm và điểm yếu
TPP được kỳ vọng là sẽ giúp Việt Nam tăng gấp đôi thị phần hàng dệt may và da giày tại Mỹ và có thể đạt mức 30% vào năm 2020. Tuy nhiên, việc DN Việt có được hưởng lợi thế xuất xứ hay không vẫn là một bài toán.
Ví như thị trường Nhật, 98,8% số dòng thuế sẽ xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, tương đương 97,2% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản. Cũng vào thời điểm này 19,7% số dòng thuế có kim ngạch lớn, chiếm tổng số 51,3% giá trị kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ được giảm thuế suất từ 35-50% so với mức hiện hành và được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 12 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Quy tắc xuất xứ là một rào cản không dễ nhận ra của DN |
Tuy nhiên, quy tắc xuất xứ “hai công đoạn” của Nhật, EU, hoặc quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” của Hoa Kỳ đối với ngành dệt may đang là trở ngại cho ngành trong việc hưởng lợi, nâng cao sức cạnh tranh khi mà ngành dệt may chưa sản xuất được vải nguyên liệu và đang phải nhập khẩu đến 70% từ nước ngoài, trong đó trên 50% lại nhập khẩu từ Trung Quốc là nước không tham gia ký kết TPP hay FTA với EU và Nhật Bản.
Nếu Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ sợi, thì cũng có nghĩa, hàng xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ bị áp thuế như thường. “Quy tắc xuất xứ là một rào cản không dễ nhận thấy với DN. Nhiều khi có bạn hàng rồi mới nhận ra mặt hàng chúng ta không đáp ứng xuất xứ nên không được hưởng ưu đãi vẫn phải chịu thuế 35% cao hơn cả Trung Quốc”, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Trần Thanh Hải khuyến nghị.
Quan trọng là cách chơi và chơi với ai
Sự trống vắng này của Việt Nam cùng với mục tiêu chuyển dịch đầu tư vào các nước trong khối TPP để hưởng lợi từ việc giảm thuế này cũng sẽ là lực hấp dẫn các dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây vẫn là DN được gì khi dòng vốn FDI chuyển dịch vào.
Câu chuyện hội nhập WTO bước sang năm thứ 10 là một nhãn tiền rõ nét, trong việc FDI vào rõ nhiều mà DN hưởng lợi chẳng được bao nhiêu. Có lý do đổ lỗi cho các chính sách thu hút FDI không tạo được sự lan toả cho DN thậm chí, còn có những tư tưởng nhìn nhận cạnh tranh FDI đối địch với DN trong nước.
Song như TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhìn nhận dù yêu hay không yêu thì câu chuyện cuối cùng là DN cũng phải kết nối trong bối cảnh kinh doanh mạng chuỗi. Và đã tham gia cuộc chơi thì phải chơi với người tốt nhất. Đây cũng là quan điểm khi Việt Nam tham gia TPP cũng như các FTA thế hệ mới.
Chưa kể những lợi thế này sẽ không phải là vĩnh viễn khi Việt Nam đã chủ động vượt lên dẫn trước trong việc ký kết TPP và EVFTA, mở ra một giai đoạn vàng trong hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên giai đoạn này chỉ kéo dài khoảng 5 – 7 năm trước khi các thành viên sáng lập của TPP có thể xem xét kết nạp thêm các thành viên mới.
Khi đó, bên cạnh đối thủ không cân sức là Trung Quốc, sẽ có thêm nhiều nước trong khu vực ASEAN vốn đã bị yếu thế hơn Việt Nam mặc dù không tham gia TPP nhưng là nhà xuất khẩu lớn cho các nước trong khối này. “Chúng ta có cơ hội nhưng nếu Thái Lan, Indonesia gia nhập TPP thì xem như hết, nên đã làm là phải rất nhanh. Cần phải có những cam kết tối thiểu không chỉ trong đào tạo mà trong cả công việc để tận dụng dòng vốn FDI”, ông Thành nói.
Quan trọng hơn là các DN Việt Nam nỗ lực bứt phá hơn nữa để tham gia vào các chuỗi giá trị mới trước khi có thêm nhiều đối thủ mạnh. Những nỗ lực bứt phá của DN cũng sẽ là điểm tựa để họ có thể cạnh tranh ngay trên sân nhà với các đối thủ từ chính các nước thành viên TPP cũng đang chờ tận dụng những cơ hội từ quy tắc xuất xứ khối thâm nhập vào thị trường nội địa. Mà như Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trần Thanh Hải nhìn nhận: “DN là yếu tố then chốt. Nếu DN không bắt kịp, dấn thân thực sự thì hội nhập bất cập”.
Câu chuyện mà các chuyên gia như TS. Võ Trí Thành, PGS-TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và một số chuyên gia đưa ra trong một cuộc hội thảo gần đây để trao đổi kinh nghiệm hội nhập chính là Dubai. Một quốc gia chẳng tham gia WTO và cũng không trong cuộc chơi TPP hay EU nhưng Dubai đang trở thành một những địa chỉ đầu tư, giao thương hấp dẫn nhất trên thế giới. Lý do là họ tự do hoàn toàn, chỉ có 5% thuế quan còn ngoài ra không có loại thuế gì. Với họ cái quan trọng là chất lượng và giá.
“Bài học lớn nhất của Dubai là kết nối với thế giới. Việt Nam xuất khẩu 5 tỷ USD không phải là sang Dubai không phải là để từ đây ra thế giới”, TS. Võ Trí Thành nói.
“TPP không phải là cây gậy thần, cái chủ động là phải do mình tự vận động, phải tự đưa ra chính sách của mình”, ông Thiên nói và nhìn nhận TPP là một không gian, điều kiện kinh tế khác hẳn. Vì vậy chúng ta không chỉ tận dụng những ngành đã có mà cần phải nghĩ đến một cấu trúc kinh tế hiện đại đáp ứng được nhu cầu thị trường. Chúng ta phải tư duy thị trường theo hướng thế giới quyết định cơ cấu công nghiệp và chúng ta phải tư duy về chính sách để đón bắt cơ hội ấy và phải làm sao phần hưởng lợi thuộc về Việt Nam.
Để làm được điều này vấn đề xây dựng chính sách cần bàn trên sự liên thông các hiệp định và năng lực Việt Nam. DN FDI vào không phải là để loại bỏ DN Việt, nhưng nếu DN trong nước không tự thay đổi thì chính ta lại tự bỏ ta, vì vậy phải có chính sách để khuyến khích các DN tự lớn”. Cùng với đó, Nhà nước nên quan tâm tới việc tạo ra các rào cản kỹ thuật, hỗ trợ các DN trong nước những năm đầu, quan tâm đến các yêu cầu an toàn về môi trường. Nhân lực cũng là yếu tố quan trọng cần thúc đẩy.
“Chúng ta yếu toàn thân nên bàn đến vấn đề nào cũng là yếu tố sống còn cả”, câu nhận xét của PGS-TS. Nguyễn Đình Thiên thêm một hồi chuông gióng lên về cơ hội và thách thức hội nhập TPP.