Không ngừng hiện đại hóa các kênh thanh toán
Xu hướng thanh toán số
Hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam trong những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ. Xu hướng thanh toán số, hay thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống NH Việt Nam đang dần đi vào cuộc sống, theo kịp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cây ATM thường được “trồng” ở cửa siêu thị, TTTM vì thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân |
Các phương thức đang thịnh hành trên thế giới như: thẻ thanh toán, internet banking, mobile banking, séc, ví điện tử… Mạng lưới thanh toán thẻ tại Việt Nam đã chấp nhận thanh toán các thẻ tín dụng quốc tế như: Visa, MasterCard, American Express, JCB...
Nếu như năm 2004, Internet banking là dịch vụ mới chỉ có 3 NHTM triển khai thì tới năm 2014, 100% NH tại Việt Nam đã cung cấp dịch vụ này tới khách hàng. Không chỉ dừng lại ở việc tra cứu thông tin tài khoản, sao kê tài khoản, lãi suất… mà dịch vụ này còn đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi thanh toán hóa đơn dịch vụ điện, nước, cước viễn thông...
Hiện VietinBank đang áp dụng ưu đãi miễn phí cho tất cả giao dịch nộp thuế điện tử cho Kho bạc Nhà nước có tài khoản tại VietinBank. Các giao dịch nộp thuế điện tử cho Kho bạc Nhà nước không có tài khoản VietinBank được áp dụng mức phí ưu đãi, bằng với mức phí chuyển tiền trên Internet banking. Đây là một trong những nỗ lực hưởng ứng chủ trương mở rộng dịch vụ nộp thuế điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Mobile banking cũng là hình thức thanh toán được các NH đẩy mạnh. Thực tế là tới thời điểm này, khi khách hàng mở tài khoản mới, hầu như đều lựa chọn có sử dụng Mobile banking để tiện tra cứu thông tin, giao dịch trên tài khoản của mình.
Techcombank đã triển khai tính năng hoàn toàn mới của Mobile banking: dịch vụ chuyển tiền qua mạng xã hội Facebook và Google+ với sự hợp tác của Fastcash Singapore. Techcombank là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng tính năng chuyển tiền công nghệ Fastcash này.
Ngày 1/1 vừa qua, Bac A Bank đã cho ra mắt Internet banking và Mobile banking phiên bản mới, có thể sử dụng trên mọi phương tiện (điện thoại, laptop, iPad,…) với các trình duyệt khác nhau tạo thuận lợi nhiều hơn đối với khách hàng sử dụng.
Thanh toán qua ví điện tử cũng đang dần được khách hàng làm quen và bắt đầu đáp ứng nhu cầu về thanh toán trực tuyến khi mua bán hàng hóa, dịch vụ tại các website thương mại điện tử. Có thể thấy rằng, hệ thống NH đang nỗ lực thay đổi để tiến tới đẩy mạnh thanh toán số, tạo sự thuận lợi cho khách hàng cũng như nâng cao tính cạnh tranh của hệ thống NH.
Hệ thống thanh toán điện tử liên NH, hệ thống thanh toán nội bộ trong các NHTM cũng có sự phát triển vượt bậc, có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin phục vụ hoạt động thanh toán, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh hơn nữa của các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Phải thay đổi thói quen “cố hữu”
Thanh toán số là xu hướng thanh toán tất yếu, nhưng đối với một bộ phận không nhỏ khách hàng Việt Nam, việc này còn khá mới mẻ, bản thân khách hàng chưa bỏ được thói quen chi trả bằng tiền mặt trong các giao dịch mua, bán trên thị trường. Phần nhiều khách hàng sử dụng thẻ nội địa nhưng chỉ dùng cho nhu cầu rút tiền tại các máy ATM chứ gần như không phát sinh giao dịch thanh toán qua thẻ.
Điều này dẫn tới việc thanh toán, giao dịch qua POS còn rất hạn chế, có phần lãng phí khi các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán đã đầu tư khá nhiều POS. Tuy nhiên về phía các NH cũng phải thừa nhận rằng, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc thanh toán số vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa có sự đồng bộ.
Hiện tượng tại một điểm thanh toán (siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại…) bày “la liệt” POS của những NH khác nhau là khá phổ biến. Bên cạnh đó, các máy ATM và POS phân bố chưa đều, chủ yếu tập trung ở thành phố, đô thị lớn.
Các NH cũng nhận thấy những bất cập này, nhưng để đáp ứng được điều này cần có vốn đầu tư rất lớn, tùy thuộc vào khả năng tài chính của từng NH cũng như xu hướng phát triển kinh doanh của họ. Một yếu tố khác tác động rất lớn đến thói quen thanh toán của khách hàng cũng như quản lý, phát triển dịch vụ thanh toán của NH là tính bảo mật.
Sự phát triển của công nghệ đã hỗ trợ NH phát triển nhiều dịch vụ thanh toán hiện đại, nhưng cùng với đó là tội phạm công nghệ cũng tăng, khiến người dân còn e ngại khi sử dụng phương thức thanh toán hiện đại. Chưa kể với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, việc chi tiêu thanh toán của khách hàng không chỉ trong nước mà cả trên thế giới, nên khâu kiểm soát, bảo mật thông tin càng khó khăn.
Tuy nhiên, thanh toán số là xu hướng phát triển tất yếu, khó có thể phủ nhận những lợi ích mà nó mang lại cho cả khách hàng và NH. Đối với Việt Nam, hệ thống thanh toán số, hay thanh toán không dùng tiền mặt mới đang chỉ dừng lại ở những bước khởi đầu, tiệm cận với hoàn thiện hệ thống thanh toán hiện đại.
Vì vậy cần có những giải pháp để phát triển thanh toán số. Có làm được hay không, không chỉ phụ thuộc vào cơ chế, chính sách của Nhà nước, của hệ thống NH, mà còn cần sự hỗ trợ, tham gia và xây dựng của doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, cá nhân mỗi khách hàng để thanh toán số trong dân cư phát triển một cách đúng nghĩa.
Theo thống kê của Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến hết quý III/2014, các NH đã lắp đặt 15.809 ATM và 159.607 POS. Số giao dịch phát sinh trong quý III/2014 trên ATM là 153.686.770 với tổng giá trị giao dịch 311.014 tỷ đồng; trên POS là 8.327.711 giao dịch, với tổng giá trị 41.299 tỷ đồng. |