Không thể xài hoang “của để dành”
Các TCTD lạc quan về triển vọng kinh doanh, lợi nhuận năm 2017 | |
Bức tranh lợi nhuận đã cải thiện? |
Nhiều NH báo lãi
Đến thời điểm này, khá nhiều NH đã công bố kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm với tín hiệu khả quan. Trong khối NHTMCP lớn, VietinBank vừa công bố lợi nhuận trước thuế ước tính vượt 4.700 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Tình hình lợi nhuận ở khối NHTMCP quy mô nhỏ hơn cũng khá tốt. MB đã đạt 2.368 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành trên 55% kế hoạch năm và vượt hơn 30% kết quả thực hiện so với cùng kỳ năm 2016. Hay như OCB lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2017 đạt 494 tỷ đồng tăng gấp đôi so với cùng kỳ…
Để dìu dắt hỗ trợ DN phát triển, theo chia sẻ của một DN, chỉ hạ lãi suất là chưa đủ |
Có ý kiến cho rằng, lợi nhuận khả quan là cơ sở để cho các NH tiếp tục cắt giảm lãi suất và hiện tại chênh lệch đầu vào và đầu ra của hệ thống NH đang trên 5%. Về con số trên, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, TS. Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, đấy là con số không tưởng. Hiện nay, NH duy trì được mức 2,5-3% là đã cố gắng. Một trong các lý do dẫn đến sự sụt giảm này chính là việc các NH cắt giảm lãi suất cho vay nhanh hơn lãi suất huy động.
Theo số liệu thống kê mới đây của NHNN, tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của hệ thống NH có xu hướng giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2013 NIM của hệ thống NH là 3,07% thì đến năm 2016 tỷ lệ thu hẹp chỉ còn 2,69%. Còn nếu so với khu vực thì theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra của Việt Nam đã giảm khá thấp. Dẫn số liệu của WB, ông Lực cho biết chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra của Việt Nam hiện nay là khoảng 2%, trong khi Thái Lan khoảng 5%, Trung Quốc 3% và Indonesia, Phillipines khoảng 4%.
Trong khi đó, theo các công ty xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới, tỷ lệ NIM cần phải ở mức tối thiểu là 3,5% thì mới đảm bảo NH hoạt động an toàn, có điều kiện tái tạo và phát triển để đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Với tỷ lệ NIM của các NH Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng không thể để giảm thêm nữa. 3% là một biên độ cần thiết để bù đắp nhiều chi phí như: dự trữ bắt buộc, dự phòng rủi ro, thanh khoản, thuế… và một tỷ lệ lợi nhuận tối thiểu để trả cổ tức cho cổ đông.
Mặt hạn chế nữa khi tỷ lệ lãi cận biên bị thu hẹp dần là một trong những tác động làm cho khả năng sinh lời của hệ thống NH bị sụt giảm nhiều so với giai đoạn trước đây.
Theo số liệu của hệ thống NH cập nhật, năm 2016 tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) của NH ở mức 0,63% và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 8,14%, thấp hơn so với NH ở các nước trong khu vực như Indonesia: ROA 1,22% và ROE 8,23%; Malaysia: ROA 0,95%... Tỷ lệ này cũng thấp hơn so với hầu hết các nhóm ngành khác, như: Dầu khí (7,45% và 18%), Nguyên vật liệu (11,24% và 14,63%)… Như vậy, có thể thấy việc chủ động tiết giảm chi phí, cắt giảm lợi nhuận để thực hiện các đợt hạ lãi suất cho vay trong những năm qua đã tác động nhiều đến tình hình kinh doanh, chỉ số tài chính của NH.
“Của để dành” không thể xài hoang
TS. Nguyễn Đức Hưởng thừa nhận, hiện tại lợi nhuận NH được cải thiện hơn. Nhưng với mức lợi nhuận trên chỉ gọi là khởi sắc so với những năm khó khăn trước đây. Còn như phân tích ở trên thì so với các nước trong khu vực, tỷ suất sinh lời của các NH vẫn đang ở mức thấp, còn xa so với thời kỳ hoàng kim của NH. Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ là hỗ trợ DN phát triển nên ngành NH cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Mặt khác, do các NH Việt thường công bố lợi nhuận với con số tuyệt đối mà ít khi công bố tỷ lệ lợi nhuận ROA và ROE. Điều này dễ tạo ra sự ngộ nhận là các NH lãi lớn. Chưa kể trước đây, một số NH lấy con số lợi nhuận như một cách để quảng cáo và nhiều NH cố đảm bảo lợi nhuận cao để có thể chi trả cổ tức cho cổ đông. Còn thời điểm này, nguồn lợi nhuận phải “chia năm xẻ bảy” cho các mục tiêu.
Cụ thể, các NH đang phải nỗ lực giải quyết vấn đề nợ xấu, tăng cường quản trị rủi ro, đầu tư vào công nghệ thông tin và nguồn nhân lực - những lĩnh vực có chi phí lớn và tác động đến lợi nhuận và tình hình tài chính của NH. Ngay cả khi Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã được thông qua, cho phép các TCTD bán nợ xấu theo giá thị trường, nhưng chắc chắn phần lỗ dù được xem xét phân bổ qua các năm thay vì ngay lập tức cũng vẫn ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của các NH.
Đồng thời, trong bối cảnh hệ thống NH hướng tới áp dụng theo thông lệ quốc tế cũng đòi hỏi các NH phải nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro… Vì vậy, NH cần có nguồn kinh phí dự trữ đủ lớn để đáp ứng được các yêu cầu trên và của để dành lợi nhuận không thể xài hoang.
Quay trở lại với quan điểm lợi nhuận cải thiện thì các NH có thể giảm thêm lãi suất, các chuyên gia có nhìn nhận khác. Một chuyên gia được tham vấn cho rằng dù tình hình kinh doanh khả quan hơn nhưng NH rất khó có thể giảm thêm lãi suất. Lãnh đạo một NH khẳng định, các NH cũng đã gồng mình để giảm lãi suất và việc này sẽ khiến lợi nhuận NH năm nay bị tác động khá nhiều. CEO của một NH cho biết, NH không thể hạ lãi suất đầu vào cho phù hợp với việc giảm chi phí đầu ra, bởi đang có nhiều kênh đầu tư chỉ đợi nguồn vốn tiết kiệm chảy sang.
Ngoài ra, NH cũng cần chuẩn bị cho tình huống là nhu cầu vốn sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Lúc đó lại diễn ra cuộc chạy đua tăng lãi suất để huy động vốn đáp ứng nhu cầu thị trường, tác động tiêu cực đến hệ thống NH nói riêng, nền kinh tế nói chung. “Nếu không giảm được đầu vào, chắc chắn NH khó có thể giảm được lãi suất đầu ra”, vị này nhấn mạnh.
Để dìu dắt hỗ trợ DN phát triển, theo chia sẻ của một DN, chỉ hạ lãi suất là chưa đủ. Hiện tại trong cơ cấu hình thành tổng chi phí hoạt động của DN thì chi phí lãi suất chiếm không nhiều. Mà DN đang phải chịu nhiều chi phí khác và cao hơn nhiều chi phí cho lãi suất. Ngoài hạ lãi suất, vị lãnh đạo DN này mong muốn cải tạo môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh trong lành, giảm thiểu chi phí đầu vào vô lý hiện nay. Có như vậy, DN mới yên tâm làm ăn...
Theo số liệu thống kê mới đây của NHNN, tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của hệ thống NH có xu hướng giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2013 NIM của hệ thống NH là 3,07% thì đến năm 2016 tỷ lệ thu hẹp chỉ còn 2,69%. |