Kích thích du khách chi tiêu
Khách nhiều, chi tiêu ít
Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tại khu vực miền Trung nói riêng, trong những năm gần đây đang có mức tăng trưởng khá nhanh. Lượng khách đến với các địa phương trong khu vực vẫn tăng đều đặn hàng năm. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là lượng khách nhiều, song chi tiêu lại không tỷ lệ thuận với số lượng.
Tại TP. Đà Nẵng, thủ phủ du lịch của khu vực miền Trung, lượng khách đến với thành phố ngày càng đông, năm sau cao hơn năm trước.
Theo số liệu từ các cơ quan chức năng địa phương, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng năm 2018 đạt hơn 7,6 triệu lượt, tăng 15,5% so với năm 2017. Trong đó, khách quốc tế đến Đà Nẵng đạt gần 2,9 triệu lượt, tăng 23,3% so với năm 2017; thời gian lưu trú bình quân tại thành phố là 3,6 đêm. Trong đó, du khách đến từ Mỹ thường có thời gian cao nhất 5,6 đêm, tiếp đến là khách du lịch Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát mới đây, tổng số tiền chi tiêu bình quân chung của 1 lượt khách quốc tế tại TP. Đà Nẵng rất thấp. Trong đó, khách đi theo tour có mức chi tiêu bình quân 4,29 triệu đồng, cao hơn so với khách tự sắp xếp khoảng 3,1 triệu đồng. Trong khi, tổng số chi tiêu bình quân chung của một lượt khách nội địa tại Đà Nẵng chỉ khoảng 2,75 triệu đồng.
Các khoản chi tiêu của du khách thường tập trung vào chi phí đi lại, lưu trú hay ăn uống, còn những chi phí giải trí khác rất thấp. Mặc dù, du khách đến đông nhưng xem ra việc “móc được hầu bao” của họ lại đang là vấn đề khó khăn của ngành du lịch Đà Nẵng cũng như nhiều trung tâm du lịch khác trong cả nước.
Cùng có vị trí tương đương trên bản đồ du lịch thế giới, chắc chắn khách du lịch quốc tế sẽ chi tiêu nhiều hơn khi đến Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia) nếu so với Đà Nẵng. Bởi, ít ra tại những trung tâm du lịch này hiện có hệ thống trung tâm thương mại rất phát triển, cả về số lượng lẫn chất lượng hàng hoá, thu hút được nhiều du khách mua sắm.
Du khách đông, nhưng mua sắm còn hạn chế |
Trên thực tế hiện nay, ngoài những danh lam thắng cảnh tự nhiên tại Đà Nẵng còn rất thiếu các khu vui chơi, giải trí, mua sắm có tầm cỡ. Đặc biệt, là các dịch vụ giải trí về đêm, hay nói cách khác, địa phương đang thiếu những địa điểm xứng tầm để du khách… tiêu tiền. Hiện, khách du lịch đến địa phương cũng không có quá nhiều sự lựa chọn. Thông thường, buổi sáng du khách đi Bà Nà Hills, buổi chiều tham quan chùa Linh Ứng, bán đảo Sơn Trà. Sau đó, tắm biển và thưởng thức hải sản...
Bà Nguyễn Quỳnh Giang, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ rất thật rằng, cứ mỗi lần vào Đà Nẵng, ban ngày lên núi Bà Nà, tối về lòng vòng ra bờ biển, hoặc sông Hàn, nếu không vào Hội An thì cũng đành phải đi ngủ sớm. Không có nhiều chỗ để vui chơi giải trí, nên đi một hai lần là thấy đủ rồi. “Ép” du khách đi ngủ sớm, như tại Đà Nẵng đang là thực tế của ngành du lịch ở nhiều địa phương trong cả nước. Thực tế là hiện nay, hầu hết các sản phẩm du lịch mới chỉ tập trung xây dựng, phục vụ du khách từ 7h sáng đến 5h chiều. Còn các sản phẩm phục vụ du khách vào buổi tối đang rất hạn chế. Trong khi, vào khoảng thời gian này mới chính là thời điểm “vàng” để du khách thoải mái chi tiêu.
Cần thêm nhiều sản phẩm
Tuy nhiên, cũng có một thực tế khác là du khách cũng đang chi tiêu ngày một chi li hơn. Hiện nay, du khách trong nước thường không mua trọn gói các tour như thời gian trước. Thay vào đó, họ thường mua lẻ từng nhóm dịch vụ để tiết kiệm hơn. Hoặc, tránh đi du lịch vào mùa cao điểm, để né những căng thẳng của dịch vụ và chịu phí cao.
Tại TP. Đà Nẵng, thời gian gần đây, một trong những điểm sáng của ngành du lịch chính là sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Hàng loạt các khách sạn hạng sang, khu nghỉ dưỡng đã được xây dựng chỉ trong thời gian ngắn. Thế nhưng, các điểm vui chơi, giải trí lại rất hạn chế. Đến nay, quanh quẩn vẫn là các dự án tổ hợp du lịch đa tiện ích phục vụ du khách của Tập đoàn Sun Group hay Vingroup… Trong khi đó, thông thường dòng tiền của du khách, đặc biệt khách quốc tế thường chảy nhiều về các hoạt động mua sắm, trải nghiệm nhiều hơn là khoản tiền dành mua vé máy bay hay đặt phòng tại các cơ sở lưu trú.
Được biết, mục tiêu trong năm 2019 của ngành du lịch Đà Nẵng phấn đấu đón khoảng 8,19 triệu lượt khách, tăng 6,9% so với năm 2018. Trong đó, có khoảng 3,19 triệu lượt khách quốc tế và đương nhiên doanh thu từ “ngành công nghiệp không khói” cũng phải tăng theo…
Theo nhiều người, để có thể kích thích du khách tiêu tiền nhiều hơn, rõ ràng phải cần thêm nhiều hơn nữa các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Trong đó, chính quyền thành phố cần kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư mở rộng thêm các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các điểm vui chơi giải trí về đêm. Từ đó, mới có thêm nhiều sản phẩm du lịch níu giữ khách lưu lại thêm tại thành phố, gia tăng thêm lợi ích cho địa phương, người dân lẫn doanh nghiệp.
Ông Đinh Văn Lộc - Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà cho rằng, để du khách có thể chi tiêu nhiều tiền hơn, trước hết cần phải làm phong phú sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó, đa dạng hóa sản phẩm quà lưu niệm, cùng các trung tâm vui chơi giải trí đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách. Làm sao để du khách luôn cảm thấy vui vẻ, sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ mà mình đã sử dụng.